Người Đua Diều - Tình bạn mãi mãi






"Trong số những tình cảm mà tạo hóa đã ban tặng cho chúng ta, thì thứ vĩ đại nhất chỉ có thể là tình bạn" - sưu tầm

"Người đua diều - The Kite Runner" là câu chuyện kể về hai cậu bé ở Afghanistan: Amir và Hasan. Trong khi Amir là một cậu ấm vì có một người cha khá giả thì Hassan lại chỉ là con trai ông Ali - người hầu trong nhà Amir. 

Khi nói về xuất thân của hai cậu bé bằng ngôi thứ nhất với người kể chuyện là Amir, tác giả có sử dụng thủ pháp đối lập tương phản từ đó cho thấy sự khác biệt trong tình bạn này.

Dù vậy cả hai vẫn có những sở thích chung, ví dụ như sở thích đọc sách. Vì không được đi học nên Hassan chỉ có thể nhờ Amir đọc thành tiếng cho cậu nghe. Hay sở thích đấu diều, ở đó ai cũng thích đấu diều.

Ở đây, cái hay của Hosseini là vừa có thể xây dựng hai thế giới đối lập cho hai nhân vật, vừa có thể cho thấy sự gần gũi giữa họ thông qua những điểm chung nhỏ bé.

Ký ức đầu đời của Amir là hình ảnh Hassan. Cái tên đầu tiên Hassan gọi lên là Amir.

Một sự kiện năm 1975 đã xoay chuyển toàn bộ hướng đi của câu chuyện. Hassan và ông Ali rời Kabul về Hazarajat. Hình ảnh cuối cùng Amir nhìn về họ là qua ô cửa sổ, họ chất đồ lên xe của Baba, trời mưa xối xả. Cậu không biết rằng mình sẽ vĩnh viễn không bao giờ có thể gặp lại Hassan một lần nữa, mãi mãi về sau.

Chiến tranh kéo đến vùng đất Kabul - nơi những kỷ niệm thời thơ ấu của Amir và Hasan vẫn còn ở đó và chôn vùi chúng. Amir cùng Baba "trốn" đến Pakistan sau đó là Mỹ. Lánh đến những nơi yên bình hơn.

Những câu chuyện bí mật mà càng về sau càng được tiết lộ và khám phá bởi Amir sáng tạo nên những câu chuyện bất ngờ.

Những lúc nguy hiểm, đều là Hassan bảo vệ Amir cùng với một sự trung kiên tuyệt đối. "Nếu tôi bảo cậu ăn bẩn, cậu có làm không?" - Amir hiếu kỳ hỏi. "Nếu cậu yêu cầu, tôi sẽ làm". "Amir Agha, khi cậu trở về, luôn có một người bạn trung thành đang đợi cậu" Một đứa bé trong sáng, trung thành, đáng yêu nhưng cũng thật đáng thương.

Các lĩnh vực được khai thác không phải ngẫu nhiên. Đầu tiên, văn hóa là một tổng thể dồi dào giống như giới thiệu. Bản thân chi tiết "những cuộc đấu diều" đã là một nét văn hóa đặc biệt. Không phải "thả" mà là "đấu", không phải là mùa hè mà là mùa đông, không phải sợi chỉ thông thường mà chỉ được nhúng qua dịch thủy tinh và có thể làm tay bị thương. Bên cạnh đó, văn hóa của các nước Trung Đông cũng thể hiện được nhờ các món ăn truyền thống và đỉnh cao nhất là chi tiết miêu tả các nghi lễ cưới được hỏi trong đám cưới của Amir sau này.

Ngoài ra, chính trị còn là một vấn đề tiêu biểu được nêu lên trong sách. Amir và Hassan là hai cậu bé lớn lên trong những ngày tháng cuối cùng của nền quân chủ, sau đó nền cộng hòa được thiết lập, sau đó nữa, người Nga đem quân đánh Afghanistan. Chiến tranh gây cảnh thương, tang tóc, nạn đói khắp mọi nơi. 

Trong bức thư Hassan gửi cho Amir nhiều năm sau đó có đoạn thế này: "Than ôi, đất nước Afghanistan tuổi trẻ của chúng ta đã chết từ lâu rồi. Lòng nhân từ đã rời xa mảnh đất này và người ta không thể chốn thoát chuyện bắn giết. Luôn luôn bắn giết. Ở Kabul sợ hãi ở khắp nơi, trên đường phố, trong sân vận động, ngoài chợ, đó là một phần cuộc sống của chúng tôi ở đây, Amir Agha."

Một tác phẩm có thể lồng ghép cả hai mảng gần như đối lập: văn hóa và chính trị trong hình hài tiểu thuyết. Phóng sự về chính trị, phong phú về văn hóa, gay cấn về chính trị, rực rỡ về văn hóa. Sống động, kịch tính, và cả đau thương.

Nếu văn hóa và chính trị là các lĩnh vực thì nạn phân biệt chủng tộc lại là hiện trạng. Thực trạng tàn khốc này ở mọi nơi, ở Afghanistan cũng không ngoại lệ. Tại đây, khi người Pashtun được coi là "người Afghanistan thuần chủng" thì người Hazara lại bị phân biệt đối xử và kỳ thị. 

Bởi vì phân biệt chủng tộc không nhất thiết phải cầm súng lên bắn đạn vào đối tượng, mà chỉ những lời nói thôi cũng mang tính sát thương rất cao rồi. Và Hassan giống như hình ảnh đại diện cho những người Hazara "mũi tẹt", "mắt hí" đã bị sỉ nhục. Vấn đề này tưởng như đơn điệu nhưng thực tế lại đã và đang là vấn nạn của cả một quốc gia - đất nước. Qua nhân vật Hassan, tác giả cũng âm thầm lên án những hạng người đã kỳ thị, phân biệt đối xử với chính đồng bào của mình.

Một tác phẩm kiệt xuất, sẽ có những nhân vật kiệt xuất. Bên cạnh hai nhân vật chính Hassan và Amir, Baba - bố của Amir cũng là một nhân vật đáng chú ý. Ông mặc dù không phải nhân vật chính nhưng lại là nguyên nhân thúc đẩy, tạo cơ sở cho những hành động của nhân vật chính. Hassan chỉ là con trai của người giúp việc nhà Amir nhưng lại được Baba quan tâm gần như ngang hàng, thậm chí, đôi khi còn hơn cả Amir. Từ đó dẫn đến những suy nghĩ, hành động của Amir hướng tới hai mục tiêu: một là chơi khăm, trêu chọc, bỏ rơi Hassan, hai là được Baba yêu thương, tận hưởng với tư cách đứa con trai độc nhất.

Đó là một người thầy dạy dỗ con nhiều bài học quý giá; giống như thông qua Baba tác giả trực tiếp bồi dưỡng nhân cách cho nhân vật Amir của mình; với những màn "xuất khẩu thành văn" như sau: "Nói thế cũng đau đấy. Nhưng thà bị đau bởi sự thật còn hơn được an ủi bằng sự dối trá."; "Khi con giết một người, con ăn cắp một đời. Con ăn cắp quyền làm vợ của một người đàn bà, giết cha của lũ trẻ..." 

Nhưng cũng là một người mang trong lòng nhiều nỗi bận tâm. Trong bức thư chú Rahim Khan (một người bạn rất thân của Baba) gửi cho Amir có một câu: "Ông ấy nghiêm khắc với cháu bao nhiêu, ông nghiêm khắc với chính bản thân mình bấy nhiêu."

Có cha của Amir thì cũng có cha của Hassan. Ông Ali được giới thiệu là một người cha đơn thân, khi mẹ của Hassan bỏ rơi cậu từ lúc mới sinh ra. 

Đó là một nhân vật cực kỳ mạnh mẽ. Ông bị kỳ thị, sỉ nhục bởi đám trẻ con trong khu. Không chỉ vì là người Hazara mà còn vì các bộ phận cơ thể có phần đặc biệt. Ali liệt cơ mặt bên dưới, đó là bẩm sinh thế nên ông không thể cười và chỉ có thể biểu lộ mọi cảm xúc thông qua ánh mắt. Và một chân của ông thì đi cà nhắc. Ông thể hiện sự không quan tâm đến những lời nói hỗn hào của đám trẻ. Baba của Amir lớn lên cùng ông, nhưng chưa bao giờ thực sự coi ông là một người bạn.

Danh dự và tự hào của ông gần như bị tước hết. Thiết nghĩ không phải quá mạnh mẽ để chịu những nỗi đau, mà là quá đau nên không còn cảm giác.

Mặt khác, Ali là một người cha tuyệt vời. Ngoài đường người ta bắn súng điên cuồng, ông ôm cả hai đứa trẻ vào lòng: "Người ta bắn vịt trời đấy, đừng sợ" Ông ôm cả hai nhưng ghì chặt Hassan hơn. Ngày Ali và Hassan rời đi, đối mặt với cha con Amir, ông quàng tay lên vai Hassan đang cúi đầu. "Đó là một cử chỉ bảo vệ" - tác giả viết.

Xuyên suốt câu chuyện, Amir và Hassan có một tình bạn đẹp dịu dàng nhưng cũng thật bi thương. Từ đầu đến cuối ta thấy được chọn lựa thời thơ ấu có sức ảnh hưởng đến tương lai. Cuốn sách là lời chuộc lỗi của Amir với Hassan vì những hành động ích kỷ của cậu thời thơ ấu thông qua con trai của Hassan - Sohrab. Biểu tượng những cánh diều trên nền trời đông là biểu tượng đẹp đẽ giữa tình bạn của họ. Phần cuối là hình ảnh người đàn ông cùng lũ trẻ đuổi theo cánh diều vừa bị hạ, hình ảnh đó mở ra một tương lai tươi sáng hơn...

Tóm lại, Người đua diều là cuốn sách tinh tế, đẹp đẽ, là sự kết hợp giữa văn học tiểu thuyết và thời sự chính trị. Tuyến nhân vật và những cảm xúc xoay quanh họ là những yếu tố tuyệt vời lấy đi nước mắt của bao độc giả. Và đừng quên slogan thương hiệu của Người Đua Diều: "Vì cậu, cả ngàn lần rồi!"


review bởi: Idyllic Serein


Nhận xét