Nếu như sống không chỉ có nghĩa là thở, vậy sống là gì? Và liệu rằng, chỉ khi người ta ngưng thở, người ta mới chết thôi ư? Không! Sống là trải qua mọi thăng trầm biến cố, là dùng câu chuyện của mình viết thêm, góp thêm vào những áng văn của nhân loại. Sống chính là trải qua giông tố, và, cúi đầu trước giông tố nghĩa là ta đã tự chấm dứt sự sống, nghĩa là ta đã chết. Giống như anh hùng chiến sĩ Đặng Thùy Trâm đã viết trong nhật ký: "Đời phải trải qua giông tố nhưng không được cúi đầu trước giông tố"
Anh hùng chiến sĩ Đặng Thùy Trâm nhập ngũ năm 24 tuổi, mang theo lời hứa với mẹ: Con sẽ trở về. Anh hùng - bác sĩ Đặng Thùy Trâm cuối cùng lại không thể thực hiện lời hứa với mẹ cô, Cô hy sinh năm 28 tuổi. Chiến tranh, chiến trường, quân địch cộng hưởng lại thành những chuỗi ngày khắc khổ bi thương, Đặng Thùy Trâm cùng với đồng đội đã trải qua những giông tố ấy, nhưng điều khiến hậu thế lưu danh họ là bởi vì họ đã không bao giờ chịu cúi đầu trước giông tố.
Thử hỏi con người sống trên nhân gian, ai mà không phải trải qua giông tố?
"Đời là phải trải qua giông tố", mà giông tố, có thể hiện diện dưới mọi hình dạng, từ việc lớn đến việc nhỏ: giông tố hiện hữu trong một cái vấp ngã trong những mối quan hệ thân quen đang dần rạn nứt, trong chiến tranh nghèo đói, giông tố đôi khi là sự thất bại, kém may mắn trong đời.
Nếu có ai hỏi tôi, Làm thế nào để gọi tên giông tố, Tôi cũng không biết phải trả lời như thế nào. Đó là một thứ sẽ xuất hiện bất thình lình trong những khoảnh khắc hàng ngày, khi mà bạn chưa kịp chuẩn bị để đối phó, nó giống như một sợi chỉ không thể thiếu nếu muốn dệt nên cuộc đời.
"Đời là phải trải qua giông tố", ngay cả giông tố trong tâm hồn. Kỳ thực, không phải tâm hồn ai cũng vẹn đầy, không một vết xước. Mỗi người được sinh ra, lớn lên, được nuôi dưỡng trong những môi trường, hoàn cảnh sống không giống nhau hoặc chỉ gần giống nhau, vì thế nhận thức tư duy và thế giới tâm hồn sẽ khác nhau. Điểm giống nhau giữa bạn, giữa tôi, chúng ta đó là những vết xước luôn hiện hữu trong tâm hồn, là những thương tổn mà thế giới gieo vào tâm hồn của những kẻ đang lớn.
"Đời là phải trải qua giông tố", trên con đường trưởng thành phải trải qua rất nhiều giông tố, trải qua những sự chia xa, phản bội, buồn đau, sự ra đi của một người thân thương. Giông tố ập đến, giống như không khí u ám ngày Đông, giống như một người lạc đường mất phương hướng. Ấy vậy mà, những điều trên lại là những điều cần thiết và gần như là bắt buộc.
Trong cuốn sách "Đi tìm lẽ sống", Viktor.E.Frankl đã chứng minh ý nghĩa của những bi kịch và buồn đau. Không phải ngẫu nhiên mà chúng trở thành một phần của cuộc sống. Những giông tố, bi kịch đến và đi gieo cho ta bao đau khổ để rồi khi niềm đau khổ qua đi, tao mới thấy hạnh phúc và nụ cười trân quý đến nhường nào.
Nếu cuộc sống của ai đó bình bình lặng lặng, không phải trải qua giông bão khổ đau gì, thì người đó cũng khó có thể cảm nhận được sự hiện diện của bình yên và hạnh phúc, bởi vì tất cả những chuyện người đó cảm nhận và trải qua đều không sâu sắc, không nhiều cảm xúc bằng những người phải trải qua đau khổ.
Bão giông đến và đi, còn là để thử thách, phân loại bản lĩnh của mỗi người. Chúng là những sàng lọc, lại như mặt hồ yên tĩnh, soi chiếu hết tâm can và cách đối xử của mỗi người với bản thân mình và những người xung quanh. Chính cái cách chúng ta đối mặt với giông tố cho thấy con người thật của ta trong giông tố.
Dẫu thế, "không được cúi đầu trước giông tố". Với Đặng Thùy Trâm, sự cúi đầu trước giông tố là "không được" chứ không phải "không nên" hay "không thể", tựa như một lời khuyên dựa trên lăng kính và trải nghiệm của nữ bác sĩ - chiến sĩ.
"Cúi đầu trước giông tố" là cam tâm cam chịu những đau khổ, bất hạnh. Như đã nói, những bi kịch đau thương xảy đến trong đời đều có lý do, chúng trở thành một cái sàng, sàng lọc kỹ lưỡng từng kiểu người, người không vượt qua bài kiểm tra trong giông tố là người cúi đầu trước giông tố.
"Cúi đầu trước giông tố" là dáng vẻ lom khom khúm núm, là tinh thần thỏa hiệp, đầu hàng trước số phận. Trước những bão tố trong tâm hồn, không dám đối mặt, không dám vượt qua. Cũng là dáng vẻ không làm chủ cuộc đời, không tự quyết định số phận của mình, gặp một chút thất bại một chút khó khăn là sẵn sàng từ bỏ. Để mặc cho con thuyền cuộc đời lênh đênh vô định không biết đi đâu về đâu.
"Không được cúi đầu trước giông tố", câu nói của Đặng Thùy Trâm như một lời nhắc nhở, rằng dù chúng ta là ai, ở độ tuổi nào, giới tính nào, tôn giáo nào thì đều phải đối mặt, trải qua đau khổ, khó khăn và thử thách. Mỗi người sẽ có cách đối xử với bản thân khác nhau trong những ngày giông bão ấy. Có người sẽ chọn cách buông xuôi, gục ngã trong cơn giông, có người vượt qua rào cản định kiến, kiên định bước trên con đường đã chọn.
"Không được cúi đầu trước giông tố" tựa như muốn nói:
Nói với những người đang ở trong giông tố, đang ở trong những ngày tháng chênh vênh lạc lối rằng: bạn là một người vẫn còn sống, cuộc sống sau hôm nay vẫn sẽ tiếp diễn, Bạn định ngồi đó và chịu thua trước số phận hay sao? Chưa bao giờ là quá muộn để bắt đầu lại, giờ thì, đường lên và bước tiếp thôi.
Nói với những người chưa trải qua giông tố, phong ba bão táp của cuộc đời rằng: giông tố là một điều bất ngờ, không ai có thể phòng bị được nó, nếu sau này bạn gặp giông tố, đừng để nó đánh gục bạn.
Lại cũng như muốn nói với những người đã trải qua giông tố rằng: bạn thấy đấy, giông tố cũng chỉ là mở rộng phản đề của đề văn cuộc đời, từ phần phản đế ấy lại có thể rút ra nhiều bài học, thật đáng quý phải không?
Tôi đã từng nghe một câu chuyện thế này: đại bàng vườn cảnh bay cao, lên gần những tầng mây, ấy vậy mà trên trời sấm vang không ngớt, gió thổi bập bùng, đại bàng - con vật được mệnh danh là chúa tể bầu trời ấy lại không hạ cánh, không tìm chỗ ẩn nấp trước cơn bão đang quá đỗi gần kề, ngược lại còn lấy sức gió làm bệ đỡ, để rồi nó vút cánh bay cao hơn bao giờ hết. Vượt lên cả mây đen, vượt lên cả giông bão. Mây đen và cây cối nghiêng ngả sau đó chỉ còn ở dưới thân nó, đại bàng bay vút vào không trung.
Hãy giống như đại bàng, không cúi đầu trước bão, cô đơn nhưng thống lĩnh cả bầu trời. Mỗi một cuộc đời đều khác biệt, vì tất cả mọi người khác biệt nên chúng ta đều giống nhau, đó không chỉ là nhiệt huyết mà còn là sự xông xáo không ngại khó khăn vất vả mà buông xuôi của những trái tim căng tràn nhịp đập.
"Đời là phải trải qua giông tố nhưng không được cúi đầu trước giông tố". Đặng Thùy Trâm đã đi xa, rất xa, nhưng những gì mà cô cống hiến, vẻ đẹp thanh xuân cô vẫn còn đó, Để rồi sau khi cô hi sinh người ta tìm thấy tập nhật ký, mà giờ đây được biết đến nhiều hơn với cái tên: Nhật ký Đặng Thùy Trâm. Hậu thế vẫn tiếp tục lưu dấu và ghi nhớ đến cô. Chỉ riêng câu nói: "đời là giông tố nhưng không được cúi đầu trước giông tố" đã thể hiện căn cốt của tâm hồn, một tâm hồn không bao giờ chết. Câu nói ấy còn là một lời nhắc nhở, một lời khẳng định đối với mỗi người: giông bão có thể đến, giông bão sẽ đến, nhưng bạn là chính bạn, không cúi đầu, không khuất phục, vượt lên cả giông bão để đi trên con đường của mình, đi mãi về phía an nhiên.
"Rồi ai cũng phải đi qua cơn giông của chính mình
Tổn thương nào cũng sẽ qua thôi... Cuộc đời vẫn cứ trôi..."
(Đi qua cơn giông của chính mình - Nguyenn)
23-10-2024
Nhận xét
Đăng nhận xét