Tản Mạn Về Viết



Khi đọc bài viết: “Vài kỷ niệm về Nguyên Hồng” của tác giả Như Phong, tôi thấy rất phục tình bạn, tình đồng chí của hai ông, và phục sức sống, sức bền bỉ của ông Nguyên Hồng trong công việc sáng tác . Viết về sức sáng tác của bạn mình, Như Phong dùng một từ rất gợi cảm: Khỏe. “Nguyên Hồng viết rất khỏe”. Từ đây, có thể hình dung ra được: Nguyên Hồng hăng say sáng tác đến thế nào, viết đối với ông như là lẽ sống, là sinh mạng.

R.Tagore là nhà thơ vĩ đại của thế giới, là niềm tự hào của đất nước Ấn Độ nói riêng. Ông để lại cho hậu thế gia tài văn hóa đồ sộ: 52 tập thơ, 42 vở kịch, 12 bộ tiểu thuyết, khoảng một trăm truyện ngắn và rất nhiều bài viết luận văn, diễn văn, bút ký. Như vậy có thể thấy, nhìn từ Việt Nam ra thế giới, ta không thể không phục trước những cây bút của thời đại, cống hiến trọn đời cho văn học.

Văn học sẽ chẳng là gì nếu không từ cuộc đời mà có (Tố Hữu). Chất liệu chung làm nên những con chữ không gì khác chính là cuộc sống, cùng khai thác chất liệu ấy nhưng nhà văn phải làm thế nào để đưa cái riêng của mình vào tác phẩm, lưu lại dấu ấn, làm nên cái mới cái riêng, cá biệt hoá tác phẩm của mình. Quy luật này giúp cho văn học không ngừng đổi mới, mang tính sáng tạo nhưng đồng thời đó cũng là một quy luật khắc nghiệt. Thời gian là dòng chảy vĩnh hằng, thế hệ trẻ các nhà văn hôm nay bên cạnh việc tuân theo quy luật cá biệt hóa tác phẩm vẫn cần có sự tìm tòi, tham khảo từ các bậc tiền bối đi trước. Dẫu sao, văn học cũng yêu cầu sự sáng tạo và khám phá không ngừng.

Tầm quan trọng của việc viết đối với hệ trẻ hôm nay là rất lớn. Viết có thể hiện ra quan điểm, góc nhìn của người viết đối với vấn đề được viết. Còn có thể là chìa khóa để đưa ra suy nghĩ, thế giới nội tâm trong bạn. Bản thân tôi đã viết trong một bài viết của mình như sau: "Thơ, ca, nhạc, họa không phải ngẫu nhiên mà đứng cạnh nhau, chúng bao chứa, truyền tải và nâng tầm lẫn nhau", ấy vậy mà, đôi khi chúng không thể chứa đựng lẫn nhau, hay chỉ là sự bao quát một cách ít đi, để thơ là thơ, họa phát huy vai trò của họa, và viết làm nên cái riêng của viết.

Giống như tác giả Huyền Trang Bất Hối đã trải lòng: "Tôi chỉ muốn viết ra những trang sách, tựa như tiếng nói tâm hồn mình, tựa như vực sâu ngàn trượng. Không thể ngỏ lời, không thể họa, chỉ có thể hạ bút."

Người ta so sánh biển với mẹ "Biển cho ta cá như lòng mẹ" (Huy Cận). Người ta so sánh thiên nhiên với mẹ. Biển cả và thiên nhiên mang đến các giá trị vật chất, đời sống thoải mái thoải mái tiện nghi cho con người, tựa như một bà mẹ cho đi không đòi lại bao giờ, vậy nên các nhà thơ nhà văn mới ví những điều đó với mẹ là vì như vậy. Nếu vậy, văn chương nào khác mẹ ta? Những dòng chữ, trang văn bản không trực tiếp đem lại giá trị vật chất cho chúng ta mà đó lại là một vùng đất màu mỡ để những người viết lách thi nhau cuốc xới. Như đại dương sâu thẳm ôm trọn lấy con người tự cổ chí kim. Văn chương viết lách cho chúng ta những giá trị về tinh thần, về nhận thức, về sự sống.

Viết lách là nghệ thuật của việc sử dụng ngôn từ. Mà ngôn từ là mấu chốt chính đưa nhân loại thoát khỏi cảnh bần hàn, thiếu thốn. Từ xa xưa, người ta đã viết nên những văn tự cổ đầu tiên như một cách lưu lại dấu vết của thời đại. Ngày nay viết lách đã không còn chỉ là hình thức "giấy trắng mực đen" như trước, nó là thể được thể hiện qua các bài blog, các bài viết, các forum diễn đàn, những nơi sáng tác. Đó còn là chìa khoá đưa chúng ta tiếp xúc với nền văn minh đồ sộ của nhân loại.

Tôi vẫn tự trăn trở rằng: Có sai không khi chỉ viết những gì mình thích, mình muốn? Có ổn không khi viết nhiều thể loại, đa dạng hoá các bài viết của mình? Khi thấy có nhiều tác giả kiên trì viết, tần suất ra bài cũng cao, hầu như ngày nào cũng có "cái để viết", lại cảm thấy bản thân cần phải chăm chỉ, phải học hỏi, và phải viết nhiều hơn nếu muốn cải thiện kỹ năng ngôn từ. Lại có những tác giả viết truyện dài, một hai ngày ra một chương, mỗi chương cũng tương đối dài, lại tự cảm thán sao họ có sức để viết được như thế, nhanh như vậy mà đã ra chương mới. Sau đó tôi hiểu ra: làm việc gì cũng cần phải kiên trì, bền bỉ, viết lách lại càng phải như vậy, chẳng qua là do bản thân quá lười nhác, chỉ biết nhìn người khác tiến lên mà mình vẫn dậm chân tại chỗ, thậm chí bị tụt lại phía sau.

Còn một điều nữa. Nguyễn Tuân đã từng nhấn mạnh: "Nghệ thuật là lĩnh vực của cái độc đáo, vì vậy mà nó đòi hỏi phải có phong cách, tức là phải có nét gì rất mới rất riêng thể hiện trong tác phẩm của mình". Nếu như nói văn chương là một ngôi của nghệ thuật. Thế chẳng phải là nói văn chương là cái nôi của sự sáng tạo hay sao? Và nếu thật sự là như vậy, mỗi một nhà văn, mỗi một người viết là một nhà sáng tạo, khơi nguồn những thứ mới mẻ, lạ lẫm. 

Thử hình dung: một trăm nhà văn, mỗi nhà văn lại tìm ra một cái mới cái hay, vậy là đã có một trăm cái mới cái hay đã được tìm ra rồi. Và anh không được phép trùng lặp phong cách với các bậc tiền bối đi trước nữa. Như vậy, chẳng phải để viết đúng, viết hay rất khó sao? Nếu như một ngày người ta không thể tiếp tục sáng tạo nữa, văn chương sẽ chết sao?

Không! Văn chương sẽ không bao giờ chết chừng nào con người còn tồn tại, cuộc sống cũng sẽ tiếp tục tồn tại, văn chương cũng sẽ tồn tại. Con người còn tồn tại là sự sáng tạo còn tồn tại. 

Văn chương viết lách từ đầu đến cuối là mang đến cho người ta sự thư thái, giải tỏa.  Người ta vui cũng viết, buồn cũng viết, phẫn nộ đến cùng cực cũng viết. Văn chương viết lách tuyệt đối không phải một sự gò bó, dập khuôn cứng nhắc. Sau này không những một trăm mà có thể là hàng ngàn, hàng vạn cái hay cái mới vẫn sẽ tiếp tục được khai phá. Từ một vài nét sơ khai thuở ban đầu của văn chương, sau này sẽ phát triển thành cả một đại dương đại ngàn ôm lấy những vui buồn bất hạnh của con người.

Bởi vì. Sứ mệnh cao cả nhất của một người viết chính là tạo ra giá trị bằng những trang văn của mình.

20 - 7 - 2024

Nhận xét