Có những thói quen cần bỏ



     Điện thoại lần đầu tiên được phát minh vào năm 1876, khi ấy điện thoại còn nguyên thô, cồng kềnh đến năm 1992, điện thoại thông minh lần đầu tiên được ra mắt công chúng, mở ra một kỷ nguyên mới cho ngành công nghệ nói riêng và ngành công nghiệp nói chung. Như vậy, tính đến năm 2024, đã trải qua hơn ba thập kỷ, điện thoại cũng từng bước trở nên hiện đại hơn. Song song với sự phát triển của điện thoại là sự ra đời và lớn mạnh của Internet. Ngày nay, thông qua màn hình nhỏ là chiếc điện thoại, máy tính bảng hay máy tính người ta có thể cập nhật thông tin và hình ảnh ở tận đâu đâu! Các nền tảng mạng xã hội ngày càng nâng cấp các tính năng, một trong số đó là tính năng bình luận.

Có thể thấy, ở bất kỳ ứng dụng nào, trang thông tin nào đều có tính năng bình luận nhằm mục đích kết nối người dùng, và để mọi người thảo luận, giao lưu. Tuy nhiên, vấn đề nào cũng có hai mặt. Bên cạnh những lợi ích từ các tính năng bình luận, lại có không ít những vụ ồn ào liên quan đến phát ngôn và những bình luận tiêu cực thiếu thiện chí trên mạng xã hội. Thử hỏi, bạn đã bao giờ có những bình luận tấn công một người, hùa theo số đông mà chưa thực sự hiểu rõ câu chuyện hay chưa? Thậm chí, đó có phải là thói quen của bạn hay không? Nếu như có, cần khẳng định thói quen của bạn không tốt chút nào, và ngay lập tức hãy học cách từ bỏ thói quen ấy đi. 

Vậy tại sao nó không tốt? Nó không tốt ở chỗ nào? 

Trước hết, cần phải hiểu những bình luận thiếu thiện chí, hay những bình luận tiêu cực là gì. Bình luận thiếu thiện chí mà chúng ta nói đến ở đây là những bình luận trên mạng xã hội, là những đánh giá, nhận xét, phán xét theo khuynh hướng tiêu cực của một cá nhân dành cho một cá nhân khác hay cho một tập thể hoặc ngược lại. Mặc dù không giống với bạo lực thân thể (đánh, đập,...) nhưng tính nghiêm trọng của những bình luận thiếu thiện chí, mà ở đây tôi gọi là bạo lực qua mạng cũng không kém bạo lực thân thể, có thể để lại hậu quả khôn lường. 

Thử tưởng tượng, bạn là một nhà sáng tạo nội dung trên mạng xã hội, bạn đầu tư rất nhiều thời gian công sức tiền bạc để lên ý tưởng, quay chụp, chỉnh sửa sản phẩm của mình nhằm tạo ra giá trị cho cộng đồng, nhưng khi bạn chia sẻ chúng lại nhận về những bình luận cay độc. Nói rằng nội dung của bạn nhạt nhẽo không đáng xem, bạn không hợp làm cái này cái kia... Chắc chắn bạn sẽ cảm thấy hụt hẫng cùng với thất vọng. Đó là cảm giác mà những người phải nhận về bình luận cay đắng phải chịu.

Có thể bạn sẽ nói: Tôi không phải nhà sáng tạo nội dung. Tôi cần gì phải quan tâm đến cảm giác của họ. Vậy chúng ta lấy một ví dụ đơn giản hơn xem sao. Bạn cùng gia đình người thân đi chơi ở một địa điểm, bạn đăng bài chia sẻ những khoảnh khắc ở địa điểm ấy, sau đó có người bình luận rằng: Tôi đã đến chỗ đó rồi, chỗ đó thật bình thường. Rõ ràng bạn đang chia sẻ chuyện của mình, đối phương lại nói về họ, còn nói địa điểm bạn chọn không có gì đặc biệt, ngoài ra còn có ngụ ý: tôi đã đi chỗ đó rồi bạn chỉ là người đi sau thôi! Lúc ấy cảm giác sẽ như thế nào? Tôi tin rằng bạn sẽ hiểu. 

Bạn thấy đấy, những bình luận thiếu thiện chí không hẳn phải là những bình luận mà ngôn từ thù ghét cực độ, đôi khi chúng chỉ là những lời lẽ soi mói, mỉa mai. Nhưng dù hình thức như thế nào, điểm chung của chúng đều là có thể gây khó chịu hoang mang, thậm chí tự ti sợ hãi, từ đó có thể dẫn đến trầm cảm.

Dạo một vòng quanh mạng xã hội, vào phần bình luận của bất kỳ một nội dung chia sẻ thông tin nào, nhất là những thông tin chia sẻ quan điểm góc nhìn mới lạ, ta có thể dễ dàng nhận thấy có hai luồng ý kiến đồng tình hoặc không đồng tình. Không đồng tình ở mức độ góp ý phát triển thì không có vấn đề gì, nhưng để lại bình luận thiếu suy nghĩ, thiếu thiện chí, chỉ để thỏa mãn cái tôi mà không có ý định tìm ra tính đúng sai của câu chuyện thì lại là một vấn đề.

Nhìn từ lăng kính khác, những ngôn từ gây thù ghét trong các bình luận thiếu thiện chí có thể kể đến như: bình luận miệt thị ngoại hình, soi mói cơ thể của người khác; phân biệt chủng tộc, phân biệt vùng miền; kỳ thị giới tính,... Vô hình chung sẽ tạo nên chất bẩn trên môi trường mạng Việt Nam. Lại phải nói, mạng xã hội liên quan chặt chẽ và ảnh hưởng mạnh mẽ trong giáo dục nhận thức. Học sinh bây giờ có thể lên mạng tra cứu, học hỏi tìm tòi thông tin, nếu như một bộ phận học sinh đọc được những bình luận ác ý về một trong những vấn đề kể trên, các em sẽ có những nhận thức sai lệch về xã hội. Điều này ảnh hưởng không ít đến các em trong khi các em sẽ là những người làm nên đất nước.

Còn nhớ vụ diễn viên Nam Thư bị tố cáo là kẻ thứ ba cướp chồng của người khác nổi lên từ tháng Bảy năm 2024 đã gây xôn xao trên khắp các nền tảng mạng xã hội. Cộng đồng mạng không ngừng tấn công, chỉ trích, dùng lời lẽ cay độc với nữ diễn viên mà chưa xác thực rõ ràng vụ việc, đến nỗi, Nam Thư đã phải khóa trang cá nhân, các dự án của cô cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Năm 2019, Hàn Quốc được một phen chấn động sau cái chết của nữ Idol K-pop Goo Hara, một tháng sau, bạn thân của cô là Sulli cũng tự sát. Theo tờ báo Thanh Niên , Hara và Sulli là nạn nhân của văn hóa hâm mộ thần tượng một cách tiêu cực, bị bạo lực mạng nghiêm trọng tại Hàn Quốc. Cái chết đầy đau thương của hai nữ thần tượng như một hồi chuông cảnh tỉnh nhận thức của nhiều người về những tiêu cực trong văn hóa hâm mộ thần tượng ở xứ sở Kim Chi.

Hara và Sulli cũng chỉ là hai trong số rất nhiều những người đã từ giã cuộc đời vì áp lực từ mạng xã hội. Như đã nói, bạo lực mạng để lại hậu quả nghiêm trọng không kém gì bạo lực thân thể, thậm chí còn hơn. Bớt đi một người hay soi mói, bình luận ác ý, mạng xã hội sẽ thanh sạch hơn. Ngoài ra, không ít những vụ ẩu đả gây thương tích cũng đến từ những lời lẽ xúc phạm, những bình luận thiếu thiện chí, vậy nếu ít đi một bình luận như vậy, các vụ ẩu đả sẽ ít có nguy cơ xảy ra hơn.

Bình luận thiếu tôn trọng người khác, nếu đã trở thành một thói quen ăn sâu vào con người, cần phải học cách từ từ loại bỏ. 

Thay vì ngồi cả ngày soi mói, tìm ra cái sai, cái chưa tốt của người khác, tại sao không dành thời gian phát triển bản thân mình? Theo tôi, bạn có thể lướt qua những bài viết, video chỉ trích, soi mói mà không để lại ý kiến gì, nếu có, mong rằng những ý kiến của bạn hướng đến sự phát triển chung chứ không phải những bình luận thiếu thiện chí. 

Những người bình thường, những nghệ sỹ nổi tiếng, những người sáng tạo nội dung, bạn và tôi, tất cả chúng ta đều là con người, mà đã là con người thì không thể hoàn hảo, ẩn sau những điểm mạnh sẽ là điểm yếu. 

Mặt khác, mạng xã hội xuất hiện một số tình trạng "phông bạt", những người làm việc tốt để đánh bóng tên tuổi, hay bôi nhọ danh dự nhân phẩm người khác, hoặc có những phát ngôn không đúng về chính trị, nhà nước. Lúc này sẽ có những người thể hiện sự phẫn nộ của mình bằng những bình luận gay gắt dành cho cá nhân (tập thể) đó. Trong trường hợp này cần phân biệt bình luận soi mói vè bình luận lên án. Sự lên án về cơ bản chính là hướng về cái đúng, còn sự soi mói không quan tâm đúng sai.

Có những người hễ thấy một sự khác biệt, đi lệch khỏi các quy chuẩn truyền thống sẽ mang ra đào bới, mổ xẻ, có những lời lẽ khó chịu, nhưng xin hãy nhớ rằng: Tôn trọng sự khác biệt, vì những người dám khác biệt, họ thực sự rất giỏi!

21-9-2024

Nhận xét