Về: Những Đại Lộ Vành Đai




Đúng như tên tác phẩm, Những Đại Lộ Vành Đai là câu chuyện trên những đại lộ trong các thành phố của nước Pháp. Ngay từ những trang văn đầu tiên, tác giả đã dùng chữ để vẽ nên những khung cảnh nước Pháp cổ kính, nhưng mang màu sắc rối ren. Những quán bar, cung đường ở đó nếu không phải là "ánh sáng mập mờ" thì sẽ là "khung cảnh mờ mờ". Cách miêu tả cảnh vật như vậy cũng phần nào phác họa bối cảnh, không gian và cả nỗi lòng của nhân vật.

Nhà văn Modiano dùng và lặp lại rất nhiều cụm từ "thời kỳ rối ren này" nhưng không trực tiếp chỉ ra thời kỳ ấy rối ren ở chỗ nào, và điều gì khiến nó trở nên như vậy; mà ông kể về những mảnh đời. Bọn họ có  hoàn cảnh, công việc, địa vị, tuổi tác khác nhau nhưng mang trong mình một điểm chung đó là xuất thân từ dưới đi lên trong xã hội loạn lạc ngày ấy để rồi vô tình tạo ra: 

Một Murraille ở đỉnh cao của sự nghiệp báo chí bằng cách khai thác những vụ làm ăn phi pháp nhưng chưa bao giờ tự ảo tưởng về bản thân. 

Một Marcheret mất phương hướng giữa tháng năm đầu đời, tuổi trẻ để rồi nhập ngũ nhiều năm và trở về với một con vẹt và một căn bệnh sốt rét.

Một Sylviane đã từng phải bán dâm để kiếm thêm ít tiền mưu sinh, sau này đã có những chuyến phiêu lưu nhưng cuối cùng vẫn thấy thoái chí.

Một Gallas nhờ vào tiền bảo trợ của những người giàu có rồi trở thành người điều hành lữ quán 

Và cuối cùng, một Annie cùng ước mơ trở thành diễn viên với hy vọng sẽ có một ngày tên của cô được viết bằng các con chữ chiếu sáng. Nhớ đến Annie, người ta sẽ nhớ đến một cô diễn viên kém may mắn nhưng làm người ta xúc động. Cô muốn tận hưởng cuộc sống...

Modiano hay người kể chuyện viết: "Tôi quan tâm đến những kẻ bị trước mất vị trí xã hội, những kẻ sống ngoài lề ấy, để qua họ tìm lại được hình ảnh khó nắm bắt của bố tôi."

Người kể chuyện và bố anh đã và đang giao du với những người lạ kia. Trong những lần ăn tối, đi dạo trên đường, hay cả lúc ở riêng với bố, người kể chuyện tìm cách tiếp cận ông, nhưng thật xa cách...Từ cách xưng hô, cung cách và cử chỉ, ông không nhận ra chàng trai viết cho tờ báo của Murraille chính là con trai thất lạc mười năm trước của mình.

Mười năm trước, vừa tự do, vừa gò bó, họ - hai người họ, một bố một con lái xe và có những đêm họ đi cho đến tận sáng, đi, đi mãi. "Từ trung tâm Paris, một dòng chảy huyền bí đưa chúng ta dạt đến những đại lộ vành đai." Những đại lộ chứa đựng ký ức, kỷ niệm đau buồn có, hân hoan có. Hai người ấy thay đổi chỗ ở hàng tháng thậm chí hàng tuần, đến nỗi có lần họ quên địa chỉ của mình ở trốn nào. Đó dường như là một sự chạy trốn ngầm, chạy trốn thế giới này. Nhưng những thứ đó chỉ còn là dĩ vãng.

Giờ đây, khi ở cùng bố mình đáng tiếc, ông không biết gì cả, không phải ông mất trí nhớ, vì anh đã thay đổi quá nhiều chăng? Từ một thiếu niên mười mấy tuổi trở thành một người viết. Anh biết hành trình "khôi phục ký ức" cho bố là một hành trình vô cùng gian nan, bởi lẽ tất cả những công việc họ làm, phần lớn là phi pháp. Và phải yêu lắm, trân trọng lắm những gì ở con người bố, anh ấy mới có thể kiên trì như vậy. Rất nhiều lần, anh muốn gửi thư cho bố, nhưng đến địa chỉ nào? Anh không biết...

Bởi vì cảm giác người trước mặt có cùng huyết thống với mình nhưng không thể gọi một tiếng "cha" là một cảm giác rất đau đớn.

Qua Murraille, Macheret, Sylviane, người kể chuyện cố gắng biết thêm dữ kiện về bố mình. Ông thực ra là ai? Tại sao ông lại quen biết với họ? Và rất nhiều câu hỏi đến cuối cùng vẫn chưa có câu trả lời.

Đan xen giữa hư và thực, tác giả đã thành công dựng lên một xã hội, qua các nhân vật ấy là hiện thân của những tầng lớp, hạng người khác nhau trong xã hội cũ. Đồng thời khắc họa thành công và đậm nét tình phụ tử giữa hai cha con người kể chuyện: "Dù thế nào, tôi vẫn theo bố đến cùng" "papa" "papa của con"

Dù là thực tại hay hồi ức, dù đã nhớ hay đã quên, dù hai cha con họ ở thân phận nào, họ cũng đã có khoảng thời gian tươi đẹp bên nhau. Về phía những người kia, họ đã có cả một thanh xuân khổ đau, bất hạnh, nhưng không kém phần huy hoàng và rực rỡ.

Cuối cùng là những con đường mới lạ hoặc đã cũ, họ đều đã đi đến: "Chỉ cần tôi giậm gót chân lên một vài điểm nhạy cảm nào đó của Paris, những kỷ niệm sẽ tóe ra như pháo hoa"

Chalva, dù là mười năm trước, ông ấy "di cư" từ hết đại lộ này đến khu phố khác, con ông vẫn theo bố. Và mười năm sau, dù ông không rõ hoặc đã biết hành trình ông đang đi sẽ dẫn tới cái đích có thể là không mong muốn, vẫn luôn có một người lặng lẽ và âm thầm bên ông đến phút cuối với tư cách: anh Alexandre.

Tóm lại, không phải về mặt câu từ hay tình tiết mà chính tất cả những điều trên, tất cả những điều ấy mới là giá trị thật sự và có tính chất cốt lõi tạo nên: "Những Đại Lộ Vành Đai".

Nhận xét