Biết nghĩ bằng con tim



Con người bằng khối óc siêu việt đã vượt lên mọi loài, trở thành loài thống trị và đứng đầu. Bằng khối óc, con người đi từ cái sơ khai nhất, nguyên thủy nhất đến những cái hiện đại nhất, tối tân nhất. Bằng khối óc, con người để lại dấu ấn trên mặt đất, đổi thay một thời đại. Rồi, cũng bằng khối óc, con người đánh giá, nhận thức, suy ngẫm về cuộc sống muôn hình vạn trạng này. Nhưng những nhận thức và suy ngẫm đó có thể đầy đủ và đúng đắn không nếu chỉ bằng khối óc? Câu trả lời có thể là không. Vì thế mà, trong cuốn sách "Một nghệ thuật sống", tác giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần lại khuyên chúng ta nên "biết nghĩ bằng còn tim"...

Thông thường người ta nghĩ bằng khối óc - suy nghĩ, nhận thức, đánh giá...về con người và cuộc sống bằng lý trí, trí tuệ kiến thức...(*) Có nghĩa là, người ta suy nghĩ bằng lý trí, bằng hình thức, bằng những thứ có thể nhìn thấy được, chạm vào được và cân đo đong đếm được. Nghĩ bằng khối óc là cách nghĩ trực diện, đưa ra phán đoán, quyết định dựa trên bằng chứng, số liệu rõ ràng và cụ thể. Hình dung về "nghĩ bằng khối óc", cũng giống như khi thưởng thức một tác phẩm tiểu thuyết, ta thấy được vẻ đẹp của hình thức, của những điều có thể nhận ngay ra được: ngôn ngữ hình ảnh, cốt truyện, cách xây dựng tình huống truyện và nhân vật.

Ấy là nghĩ bằng khối óc, vậy còn nghĩ bằng con tim là nghĩ như thế nào? Trước hết, con tim là gì? Hình ảnh trái tim từ lâu đã trở thành hình ảnh đại diện cho tình yêu thương, lòng vị tha và cõi nội tâm của con người. Nhìn từ góc độ sinh học, trái tim là nơi trung chuyển máu đến các cơ quan khác của cơ thể. Vai trò của trái tim vốn là vậy, nó là sự vận dộng của sự sống chứ không phải nơi phân tích, lưu trữ, sàng lọc thông tin như bộ não, mà ở đây ta gọi là khối óc. Ấy vậy mà, ông Thu Giang Nguyễn Duy Cần lại khuyên chúng ta nên "biết nghĩ bằng con tim".

Nếu như nghĩ bằng khối óc là thưởng thức nghệ thuật ngôn ngữ của một tác phẩm, thì nghĩ bằng trái tim là gì nếu như không phải là sự rung cảm về tư tưởng, tính nhân văn trong tác phẩm ấy? Đó là cảm nhận về tình người, tính nhân đạo trong bản thân tác phẩm và tình người của tác giả đặt vào tác phẩm ấy. Nghĩ bằng trái tim là giữa cuộc sống, người ta chậm lại một chút và đối xử với nhau bằng tất cả sự tử tế từ tận đáy lòng. Nghĩ bằng trái tim không đơn giản là thưởng thức một bức tranh bằng sự quan sát thoáng qua mà là thấy được một vẻ đẹp, chiều sâu trong tâm hồn của người nghệ sĩ, vẻ đẹp từ những rung động thuần khiết mà nghệ sĩ đặt vào bức tranh ấy.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư có một đúc kết như sau: "Người ta ngây ngất trước sự hào nhoáng, mê mẩn trước sự bóng bẩy nhưng chỉ rơi nước mắt trước sự giản dị từ đáy lòng". Phải chăng, sự giản dị từ đáy lòng mà nhà văn nói đến ở đây là một khía cạnh của việc biết nghĩ bằng con tim? Nghĩ bằng khối óc là cách nghĩ từ bản năng, bản năng có sẵn và tồn tại sâu bên trong mỗi người, dường như nó xuất hiện từ khi chúng ta bắt đầu có nhận thức, nhưng nghĩ bằng con tim là cách nghĩ có được khi trải qua nhiều biến cố, thử thách. Biết nghĩ bằng con tim là tiến thêm được một nấc trên các nấc thang cuộc đời bởi vì đó là đánh dấu của một tâm hồn đang dần trưởng thành và chín chắn hơn.

Năm 1982 nhà văn Nguyên Hồng từ giã cuộc đời để lại bao tiếc nuối cho văn giới cũng như các thế hệ độc giả. Khi ấy, có một người bạn, người đồng chí, đồng nghiệp của ông là Như Phong đã viết bài viết: "Vài kỷ niệm về Nguyên Hồng" như để tổng kết ngợi ca về một cuộc đời đầy sóng gió trập trùng nhưng cũng lấp lánh đẹp đẽ vô ngần. Trong bài viết có một câu như sau: "Vì yêu tha thiết sự sống, vì muốn giữ lại mãi mãi những rung động say sưa mà cuộc sống và vận mạng của con người đã đem lại cho anh, nên anh đã cố gắng viết"  

Trong văn giới lúc ấy nhiều người cũng biết Nguyên Hồng có một tuổi thơ cơ cực, bần hàn. Cha mất sớm, mẹ đi tha hương để cầu thực, ông sống trong sự xa lánh của họ hàng, tháng ngày ấy sau này được khắc sâu trong tập "Những ngày thơ ấu"; lớn hơn ông đến Hải Phòng và chứng kiến cuộc sống nghèo nàn, thiếu thốn, gặp đủ loại người trong tầng lớp dân nghèo thời ấy. Và như ông Như Phong  viết, Nguyên Hồng yêu tha thiết sự sống, muốn giữ lại mãi mãi những rung động say sưa của cuộc sống và vận mạng con người.

Văn của Nguyên Hồng viết về cái nghèo cái khổ nhưng ẩn sâu trong ấy vẫn còn cái nhân văn, tình yêu lấp lánh - tình yêu giữa những con tim cùng chung tiếng gọi. Con tim của ông đã thấu hiểu đồng cảm với những người ông gặp, những câu chuyện ông thấy. Thương yêu đồng loại cũng là thương yêu cho chính mình. Và phải trải qua những chuyện sầu bi như thế nào trong cuộc đời, Nguyên Hồng mới có được những rung động đáng trân trọng như thế? Cuộc đời ông trở thành một áng văn hay, giản dị xúc động và ám ảnh. Chao ôi, con tim ấy thật đẹp đẽ, thật đáng trân trọng! 

Nghĩ bằng con tim là cái lo toan, tính toán, suy nghĩ cân nhắc xuất phát từ tấm lòng yêu sự sống, yêu con người. Như Lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nam Cao, đã nghĩ cho con trai, cho bản thân, và cho những người xung quanh lão. Lão tính toán và suy nghĩ vì lão thương con trai đang ở xa, thương chính bản thân mình. Biết nghĩ bằng con tim là cái nhân đạo, cái vĩnh hằng bất diệt trong tiềm thức. Bởi vì chúng ta là con người.

Nhưng biết nghĩ bằng con tim không đồng nghĩa với việc phụ thuộc hoàn toàn vào cảm xúc mà không màng đến lý trí. Con tim và lý trí nên song hành trong suy nghĩ, phân biệt phải trái đúng sai, đỗi đãi bằng tất cả sự chân thành. Cũng giống như ca từ của bản nhạc, câu chuyện, thông điệp của bản nhạc ấy, cùng nhau, chúng tạo nên một giai điệu hoàn chỉnh, âm vang và làm thổn thức mọi trái tim.

Muốn nghĩ được bằng con tim không phải tự nhiên mà làm được Nguyễn Duy Cần sử dụng từ "Biết" không chỉ là vì chúng ta đều đang trên con đường học cách nghĩ bằng con tim một cách từ từ và chậm rãi mà đó còn là lời khuyên các hậu thế từ già trẻ gái trai, từ lớn tới nhỏ, từ người tiểu thương đến ông này bà nọ, tất cả chúng ta đều cùng đi trên bước đường trưởng thành, bước đường sống, con đường ấy đòi hỏi rất nhiều phẩm chất, yếu tố, tất nhiên trong đó có: biết nghĩ bằng con tim. Và vì cuộc sống vẫn đang không ngừng biến đổi, xoay vần. Vì chúng ta đang không ngừng học cách cởi bỏ thói ích kỷ mà bao dung mở rộng tấm lòng trong đối nhân xử thế, sống đúng như bản chất tốt đẹp vốn có của chúng ta.

Tác giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần có cái nhìn thời đại khi chắt lọc và đúc kết nghệ thuật xử thế của nhân sinh qua mấy chữ: biết nghĩ bằng con tim. Nghĩ bằng con tim, điều tưởng vô lý  nhưng lại đúng đắn vô chừng, là lời khuyên sâu sắc, đúng đắn và có tính triết lý, có sức ảnh hưởng đến các thế hệ độc giả hôm nay và mãi về sau nữa.

24 - 6 - 2024

(*) Thông thường người ta nghĩ bằng khối óc - suy nghĩ, nhận thức, đánh giá...về con người và cuộc sống bằng lý trí, trí tuệ kiến thức. Đây là một câu dẫn trong đề thi vào 10 THPT, phần NLXH của thành phố Hồ Chí Minh. Tớ thấy đề hay nên viết, cảm ơn cậu đã đọc hết. <3

Nhận xét