Nên ứng xử thế nào trước mong đợi của những người thân yêu đối với chúng ta?



Sukhomlynsky có câu: "Con người sinh ra không phải để tan biến đi như một hạt cát vô danh. Họ sinh ra là để lưu lại dấu ấn trên mặt đất, trong tim người khác". Có lẽ mỗi người chúng ta sinh ra đều là những người đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi: Tôi là ai? Sống là gì? Tại sao tôi lại sống? Liệu rằng, sau khi tôi ra đi, có còn ai nhớ đến tôi không? Khi ấy, để hậu thế nhớ đến chúng ta, chúng ta phải để lại dấu ấn trên cuộc đời này trong những hoàn cảnh khác nhau, ở những nơi khác nhau, theo nhiều cách khác nhau. Và tôi tin rằng, trên hành trình "để lại dấu ấn" trên cuộc đời ấy, chúng ta không tránh khỏi việc ít nhiều được/bị người khác đặt kỳ vọng lên. Đặc biệt là những mong đợi và kỳ vọng từ những người thân yêu. Vậy, nên ứng xử như thế nào trước những mong đợi ấy?

Đầu tiên, cần hiểu: mong đợi là gì? Mong đợi là những kỳ vọng, niềm tin có tính thành tích mà người khác đặt lên chúng ta hay thậm chí là của chúng ta đặt lên chính mình. Và, những người thân yêu ở đây là những ai? Những người thân yêu có thể là gia đình, là thầy cô, bạn bè, đồng nghiệp, những người mà ta tin tưởng. Chốt lại: mong đợi từ những người thân yêu là những kỳ vọng, niềm tin từ ngoại cảnh, từ những người gần gũi thân thiết lên cá nhân mỗi người.

Để trả lời câu hỏi: "Nên ứng xử như thế nào trước mong đợi của những người thân yêu đối với chúng ta?" trước tiên cần trả lời câu hỏi: Vì sao những người thân yêu lại đặt mong chờ, kỳ vọng lên chúng ta? Trước hết chúng ta bắt đầu từ gia đình - cái nỗi của đủ các tình cảm, cảm xúc và cũng là cái nôi của sự kỳ vọng. Việc cha mẹ đặt kỳ vọng lên con cái nhìn từ góc độ tâm lý học là rất bình thường. Cùng với sự phát triển của công nghệ ngày nay, có thể dễ dàng bắt gặp những sự hào nhoáng, bóng bẩy trước những giải thưởng, bằng cấp và huy chương của những "thần đồng" được những ông bố bà mẹ chia sẻ lên các trang mạng xã hội. Khi đó, các bậc làm cha làm mẹ ít nhiều cũng có kỳ vọng lên con cái của họ, không được bằng con nhà người ta thì cũng không được quá kém cỏi. Tâm lý học gọi đây là "căn bệnh thành tích". Ẩn sâu bên trong những sự kỳ vọng lên con cái là nỗi sợ của một trái tim mỏng manh, sợ bị cả xã hội bỏ lại phía sau. 

Không chỉ bởi thế, mà còn bởi vì, cuộc sống cùng với nỗi lo cơm áo gạo tiền đã áp lực lên đôi vai của những bậc làm cha làm mẹ để rồi họ cũng vô tình áp lực lên những đứa trẻ của mình, hy vọng có thể tạo ra một chút tiền đồ cho chúng để cuộc sống sau này bới đi phần nào những gánh nặng mà cha mẹ chúng đang phải chịu đựng. Có thể thấy, dù là chủ quan hay khách quan, việc cha mẹ đặt kỳ vọng và nguyên nhân lên con cái xuất phát từ nhiều lý do, hai nguyên nhân trên chỉ là hai trong số rất nhiều nguyên nhân khác, tùy theo mỗi gia đình, hoàn cảnh, bối cảnh...

Trước khi quyết định nên làm thế nào những mong đợi từ phía những người thân yêu, chúng ta nên có một discussions - cuộc thảo luận với những người thân yêu, thấu hiểu nhận thức đủ rõ về những mong đợi của họ, thử đặt mình vào vị trí của họ để xem xem nếu là mình liệu mình cần gì khi hy vọng những điều như thế lên người khác. Nếu như những mong đợi của những người thân yêu là vô lý, là không đúng so với năng lực, ước mơ, dự định của chúng ta, chúng ta cần có một thái độ dứt khoát và kiên quyết: đó là từ chối. 

Cha mẹ muốn con đi theo ngành kinh doanh, nhưng đam mê của con là hội họa, cha mẹ muốn con theo âm nhạc nhưng con thích học luật, cha mẹ muốn con vào trường top đầu nhưng con biết năng lực thực sự của mình chỉ có thể vào những trường top sau. Xin nhắc lại: "Con người sinh ra không phải để tan biến đi như một hạt cát vô danh. Họ sinh ra là để lưu lại dấu ấn trên mặt đất, trong tim người khác". Chúng ta có cuộc sống riêng, mà cuộc sống của chúng ta cần, nên, phải do chúng ta tự quyết định. Cha, mẹ hay bất kỳ người thân yêu nào khác nếu như có những mong đợi sai lệch lên chúng ta, chúng ta cũng vẫn cần kiên quyết từ chối, không hoàn toàn đáp ứng những mong đợi sai lệch ấy. Một người, khi chỉ biết làm theo ý của người khác sẽ chỉ sống theo cách người khác mong đợi, đánh mất đi chính mình, đánh mất cuộc sống của mình.

Trong trường hợp này, kiên trì theo con đường mình đã chọn mới là đúng đắn.

Nhưng những mong đợi không phải bao giờ cũng xuất phát từ ý xấu, không phải bao giờ cũng xuất phát từ ý nghĩ ích kỷ. Những mong đợi và kỳ vọng đôi lúc cũng đến từ tình yêu thương, từ sự lo lắng quan tâm, đôi khi đó lại là cả một sự lo nghĩ đến cuộc sống của chúng ta, sự lo nghĩ xuất phát từ tận đáy lòng.

Nếu chỉ biết nghĩ đến mình mà không màng đến những người xung quanh lại là lối sống ích kỷ. Trước những mong đợi hợp lý cần xem xét ứng xử hợp lý. Câu hỏi lúc này sẽ là: Những mong đợi như thế nào là hợp lý? Đó là những kỳ vọng phù hợp với chúng ta, trước hết là về khả năng, năng lực, sau là về dự định, ước mơ và khát vọng. Những mong đợi hợp lý là những mong đợi đến từ tình yêu thương thuần khiết, những kỳ vọng hướng đến sự phát triển của chính chúng ta. Khi ấy, chúng ta sẽ lấy những kỳ vọng và mong đợi ấy làm động lưc, một nguồn động lực to lớn thúc đẩy ta hành động, ta sẽ trân trọng những mối quan tâm, những lo lắng mà những người thân yêu dành cho mình.

Hãy sống một cuộc sống tự do bạn mong muốn, làm những gì mình thích, làm việc cần làm và muốn làm, đi theo ngọn hải đăng của ước mơ nhưng cũng không quên những mong đợi tốt đẹp của người thân dành cho mình, từ đó trân trọng, biết ơn các mối quan hệ, những tình cảm tuyệt vời mình được ban tặng.

Bàn tay có ngón ngắn ngón dài, đồng tiền có mặt trái mặt phải, bát cơm cũng có lúc vơi lúc đầy. Cuộc sống này, không phải ai cũng tìm cho mình được lối ứng xử đúng đắn. Có những bạn trẻ phó mặc cuộc đời mình theo những mong đợi và kỳ vọng của người khác vì không tìm thấy hướng đi của riêng mình, lại có những người chăm chăm nghe theo người thân vì sợ làm phật lòng, làm rạn nứt các mối quan hệ thân thiết. Nghịch lý ở đây là: mặc dù chúng ta hiểu được những sự kỳ vọng và mong đợi từ phía người khác là vô lý, là không đúng vậy mà chúng ta vẫn đổi chiều cánh buồm cuộc đời để cho nó đi theo những điều không thực và vô lý ấy bởi vì những người khác ở đây lại là những người thân yêu nhất, những người mà ta không muốn mất đi.

Nhưng bạn biết không? Những người thân yêu, dù có thân thiết, gần gũi đến mấy cũng không thể thay thế chúng ta làm nên cuộc đời này được. Thầy cô bạn bè thân thiết đến mấy cũng chỉ đi cùng ta một quãng nào đó trên hành trình vạn dặm của cuộc đời, cha mẹ cũng không thể bao bọc ta mãi. Hãy xem những kỳ vọng từ phía những người thân yêu là một phúc lành, là một trong những điểm tựa, không nên coi đó là mục tiêu phấn đấu trong cuộc sống. Những tình thân sẽ còn đó, sẽ không mất đi nếu ta biết ứng xử phù hợp trước những mong đợi và kỳ vọng của họ.

Trong cuốn "Tôi thích bản thân nỗ lực hơn" tác giả Chu Xung có viết một đoạn văn rất hay thế này: "Sẽ không bắt con phải trở thành rồng trong nhân loại, cũng khong bắt con phải trở thành niềm kiêu hãnh, con chỉ cần nghe theo tiếng gọi của con tim mình, tiến thắng về phía trước, thử và sai, chiến đấu và trải nghiệm tất cả những gì số phận mang đến cho con, tạo nên bản sắc của riêng mình, trở thành chính con". Đoạn văn trên được viết dưới góc nhìn của các bậc làm cha làm mẹ. Và cha mẹ bạn, cha mẹ tôi, cha mẹ của chúng ta dù vô tình hay hữu ý đặt kỳ vọng ra sao mong đợi như thế nào lên chúng ta đi nữa, thì họ vẫn là cha mẹ của chúng ta.

Cuộc sống của bạn nếu như chỉ biết nghe theo người khác sẽ đánh mất đi cá tính bản sắc của chính mình, nhưng nếu độc đoán không màng đến những người thân yêu với ý nghĩ tốt lành lại thành ra lối sống vị kỷ. Vậy nên, ứng xử trước những mong đợi của những người thân yêu phải khéo léo, tinh tế nhưng cũng phải kiên quyết và dứt khoát tùy vào hoàn cảnh, tùy vào mức độ phù hợp của những kỳ vọng ấy. Chung quy lại, quyết định vẫn là nằm ở bạn.

Hành trình "để lại dấu ấn trên mặt đất" là một hành trình đầy khó khăn và bão tố. Nhưng bạn tôi ơi, bạn hãy cố lên, đi theo tiếng gọi của trái tim, ước mơ, không ngừng cố gắng, thử, sai và tiếp tục. Những khát vọng những sai lầm của bạn sẽ làm nên một thanh xuân rực rỡ và tươi đẹp. Cuối cùng, chỉ muốn nói với bạn rằng: "Bạn sinh ra như một nguyên bản, đừng chết đi như một bản sao".


12-6-2024

Đôi lời: Hi cậu, cảm ơn cậu vì đã đọc đến hết bài viết này của tớ. Tiêu đề bài viết này là phần Nghị Luận Xã Hội đề thi vào lớp 10 THPT năm 2024 của  thành phố Hà Nội. Tớ thấy đề bài rất hay nên viết và mặc dù form đề của thủ đô chỉ yêu cầu đoạn văn 2/3 trang giấy thi nhưng tớ nghĩ nếu đi sâu và phân tích thì cuối cùng tớ quyết định viết bài...thế nhá!

Nhận xét