Đóa hoa sâu thẳm trong tâm hồn



Thử hỏi, tại sao người ta lại trồng hoa? Tại sao con ong lại chăm chỉ lấy mật, thụ phấn nuôi hoa cho đời? Tại sao con người lại cố gắng đi tìm sự an yên trong tâm hồn, hướng tới chân - thiện - mĩ? Tại sao lịch sử nghệ thuật của nhân loại từ trước đến nay vẫn đang không ngừng phát triển? Đó là bởi vì nhân loại vẫn đang không ngừng kiếm tìm cái đẹp. Có lẽ, chỉ sau tình yêu thương, cái đẹp là khởi điểm của vạn vật trên đời.

Cái đẹp là gì? Cái đẹp tồn tại như một điều hiển nhiên, từ khi con người tìm ra vũ trụ, cái đẹp như căn nguyên của vạn vật. Người ta làm gì cũng đều hướng tới cái đẹp, lấy cái đẹp làm điểm xuất phát mà cũng là đích đến, mà người ta cũng chưa bao giờ thực sự cắt nghĩa cái đẹp. Vẻ đẹp của một bông hoa sen, vẻ đẹp của một buổi chiều tà, vẻ đẹp của một ánh mắt trìu mến si tình, tất cả đều có thể là cái đẹp. Và vì thế, cái đẹp là mọi sự.

Cũng như nhà văn Thạch Lam cho rằng: "Cái đẹp man mác khắp vũ trụ, len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm, tiềm tàng ở mọi vật tầm thường..."

Văn chương phản ánh cái đẹp. Văn Nam Cao là cái đẹp của người nông dân, thơ Xuân Quỳnh là cái đẹp của người phụ nữ, văn Nguyên Hồng, Thạch Lam lại là vẻ đẹp dung dị, xuất phát từ cuộc sống. 

Văn chương phản ánh cái đẹp. Khi nói trực tiếp đến vẻ đẹp ấy, có khi lại ẩn dụ, là ý tại ngôn ngoại xây dựng cái đẹp ẩn sâu dưới những tầng nghĩa trên bề mặt câu chữ. Dù viết về cái ác, cái xấu, văn chương cuối cùng cũng là nói đến cái đẹp.

Trong văn chương, cái đẹp là vĩnh hằng, là trường tồn, cái đẹp hiện lên, qua vẻ đẹp thiên nhiên, qua con người, qua nhân cách con người, qua một buổi trưa ngày nắng hạ. Vẻ đẹp trong văn chương là cái an tĩnh, có lúc lại là vẻ xôn xao, đôi khi là khoảnh khắc náo động. Mỗi một người nghệ sĩ viết về cái đẹp theo cách của riêng mình. Mỗi một người nghệ sĩ thứ thiệt nói về, tôn vinh, lưu giữ cái đẹp theo cách của riêng mình. Và vì thế, cái đẹp trong văn chương luôn sinh động phong phú vô cùng. 

Nếu nói nghệ thuật là một cái cây xanh mơn mởn, văn chương cũng chỉ là một cành nhánh nhỏ dưới cái cây tươi xanh ấy. Một điệu nhạc hay, một bức họa đẹp, một bức điêu khắc chân thực đều mang trong mình những đặc trưng và vẻ đẹp riêng.

Một khúc hòa ca đi vào tâm khảm người nghe bằng giai điệu và câu từ, đôi khi người ta thấy hình bóng mình trong bài hát, dần dần sự tương đồng ấy thành niềm đồng cảm, nỗi thao thức, và rồi, một giai điệu đi vào lòng người ta như thế đấy.

Từ ba sắc màu cơ bản: đỏ, xanh dương và vàng có thể họa nên bao nhiêu chiêm nghiệm, khát khao của người họa sĩ. Một bức họa đẹp không phải chỉ bị chi phối bởi những màu sắc bắt mắt, hãy nhìn vào bức "Mona Lisa" của Leonardo da Vinci, những sắc màu trong bức tranh không tươi sáng đến chói mắt, cũng không câu nệ đến cầu kỳ, ấy vậy mà "nàng Mona Lisa" lại trở thành kiệt tác bất tử trong mỹ họa nghệ thuật nói riêng và nghệ thuật nói chung. Phải chăng vẻ đẹp của bức họa chính là vẻ đẹp sâu thẳm bên trong, là giá trị trường tồn mãi với thời gian?

Khi thì mạnh mẽ phóng khoáng, khi thì mượt mà uyển chuyển lắm lúc lại cầu kỳ khoa trương. Điêu khắc sử dụng những đường nét đa dạng ấy tạo nên chất riêng cho mình, gọt đẽo những tác phẩm tinh xảo, gọt đẽo cả nỗi lòng của người nghệ sĩ. Cái đẹp trong điêu khắc được thể hiện trực tiếp qua tác phẩm. Từ những phiến đá, miếng gỗ vô tri lại trở nên sống động có hồn, người nghệ sĩ dùng ma lực của mình thổi hồn vào tác phẩm, đó chính là vẻ đẹp của điêu khắc.

Nghệ thuật, bao giờ cũng vậy, luôn lấy cái đẹp làm gốc, từ cái đẹp mà sinh sôi nảy nở, và cái đẹp ấy, lại cũng chính là sự rung động sâu sắc của người nghệ sĩ với cuộc đời. Cái đẹp có dạng hình trái tim, đồng thời cũng móc nối và có can hệ với tình người. Nói vậy, cái đẹp là một điều kỳ diệu hết sức, một ngôi sao vụt sáng trên bầu trời, mang theo cái đuôi lấp lánh.

Nói đến cái đẹp, người ta sẽ nhớ đến cả con mắt thẩm mỹ, và con mắt thẩm mỹ là một yếu tố cần thiết và bắt buộc trong thời trang. Cùng với sự vận động không ngừng nghỉ của thời gian, dòng chảy của thời trang cũng chuyên chảy không ngừng. Thời gian làm thay đổi nhận thức của con người về cái đẹp trong thời trang.

Từ những năm 30 của thế kỷ 20, trào lưu thời trang là những bộ váy dạ hội may theo đường cắt chéo. Đến thập kỷ 50 xu hướng thời trang lại là những bộ cánh "New Look" tôn phần eo thon gọn và phần vãi, hông đầy đặn. Đến những năm 1990, chủ nghĩa tối giản trong thời trang lại chiếm ưu thế. Và cho đến ngày nay trang phục của chúng ta cũng đang phát triển không ngừng, tiêu chuẩn cái đẹp theo đó cũng thay đổi.

Qua từng thời kỳ, tiêu chuẩn của cái đẹp giữa cả phái nam và phái nữ đều thay đổi, linh động và phát triển không ngừng. Cái đẹp, chính bản thân nó vẫn đã, đang và sẽ thay đổi để phù hợp với thời đại, phù hợp với con người. Tất nhiên, vẻ đẹp xưa cũ vẫn còn đó, cũng sẽ vĩnh viễn không bao giờ bị lãng quên.

Bàn về cái đẹp, không thể không đặt ra một câu hỏi: Liệu chúng ta có đang bóp méo giá trị đích thực của cái đẹp. Và cần phân biệt: sự thay đổi của cái đẹp theo thời gian và nhận thức sai lệch về giá trị của cái đẹp.

Sự thay đổi của cái đẹp theo thời gian hướng đến những giá trị mới mẻ tích cực, và vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ vốn có ban đầu. Còn những nhận thức sai lệch về giá trị của cái đẹp là những tiêu chuẩn vô lý do con người đặt ra, làm cho cái đẹp mất đi bản chất vốn có lúc ban đầu.

Ngày nay, bao nhiêu cuộc thi hoa hậu được tổ chức, đặt ra các tiêu chuẩn khắt khe cho cái đẹp. Và cái đẹp tự nó đã không còn mang dáng vẻ thô sơ, mà đã trở nên gãy gọn, khúc triết. Khi được hỏi thế nào là một người đẹp, người ta có thể dễ dàng nêu ra rất nhiều đặc điểm, tiêu chuẩn cơ bản để định nghĩa một người đủ tư cách để được gọi là đẹp.

Chúng ta bắt đầu thích những bó hoa được gói cầu kỳ hơn thay vì những bông hoa dại mọc trên đường hay những bông hoa chưa được đóng gói kỹ càng. Chúng ta bắt đầu ưa chuộng những bức ảnh hoàng hôn đã qua chỉnh sửa chuyên nghiệp hơn là trực tiếp ngắm hoàng hôn bằng đôi mắt trời ban.

Chúng ta đặt ra tiêu chuẩn cụ thể để xác định thế nào là một người đẹp mà quên mất rằng bất kỳ một sinh mệnh nào cũng mang trong mình một vẻ đẹp từ lúc chào đời.

Không chỉ thế, ngày nay công nghệ phẫu thuật thẩm mỹ phát triển đến đỉnh cao, giúp người ta loại bỏ những đặc điểm không ưng ý trên khuôn mặt và trên cơ thể. Nhìn ở bề nổi, các điểm không ưng ý của một người có thể đã được cải thiện hoặc thậm chí biến mất. Ở bề sâu của vấn đề, chưa nói đến tác dụng phụ do "dao kéo" có thể được phát sinh sau này, mà là bản chất cái đẹp của một người đã vĩnh viễn không còn.

Các đặc điểm trên cơ thể không thể phân định rõ đâu là ưu điểm đâu là nhược điểm, hai khái niệm ấy chỉ sinh ra dựa trên thái độ nhìn nhận về bản thân của từng người. Nhược điểm của người này rất có thể lại là mong ước của người khác. Nước da không như ý, một vết sẹo, vết bớt, nốt ruồi, mắt một mí, thật ra chúng đều rất đẹp, rất riêng.

Bằng trí tưởng tượng phong phú của loài người, hãy thử hình dung: một cô gái luôn tự ti về khuôn mặt của mình, cô không tự tin để mặt mộc hay bỏ khẩu trang mỗi khi đi trên đường, ở những nơi đông người. Sau này cô gái quyết định phẫu thuật loại bỏ các đặc điểm mà cô cho là xấu xí và có một khuôn mặt khác biệt so với trước đây mà không hề hay biết, có một chàng trai đã yêu cô như bản thân cô đã từng.

Tôi từng đọc một câu chuyện thế này: Có hai mẹ con đang ngồi xem chương trình hoa hậu trên TV. Cậu bé hỏi mẹ:

- Mẹ ơi, hoa hậu là gì vậy mẹ?

Người mẹ trả lời:

- Hoa hậu là những người có một khuôn mặt và một tâm hồn đẹp, cùng với trái tim đầy tình yêu thương.

Cậu bé lại hỏi:

- Tại sao mẹ không đi thi hoa hậu?

Trong mắt mỗi đứa trẻ, người mẹ có thể sách ngang với các hoa hậu, trong mắt mỗi đứa trẻ mẹ có một khuôn mặt đẹp và một trái tim đầy lòng yêu thương. Trong mắt mỗi đứa trẻ mẹ của chúng là đẹp nhất trên đời dẫu người mẹ ấy có là ai. Bởi vì mỗi người mẹ, đều có một vẻ đẹp, vẻ đẹp của tình người ủ kín bên trong.

Hãy nhìn vào bộ phim "True Beauty" của Hàn Quốc từng gây bão một thời. Bộ phim không chỉ nói lên thực trạng bạo lực học đường, miệt thị ngoại hình, mà còn tôn vinh một vẻ đẹp nữa. Ở những tập đầu của phim, nữ chính dù được mọi người yêu mến nhưng cô vẫn có một nỗi sợ, sợ rằng nếu không có lớp trang điểm sẽ không còn ai đối tốt với mình nữa. Cô cũng nghĩ nam chính cũng giống như mọi người, cô đã ngụy tạo cho gương mặt mộc không trang điểm của mình một thân phận khác

Đến cuối phim, nam chính không những không không xa lánh mà còn nắm tay nữ chính, đi trên hành lang dưới ánh nắng rực rỡ, trước con mắt của rất nhiều người. Quan trọng hơn cả, nữ chính vào thời khắc ấy không trang điểm, cô là chính mình, chính khuôn mặt của mình, đi bên cạnh người cô yêu.

"True Beauty" - vẻ đẹp đích thực là gì? Vẻ đẹp ấy không phải vẻ đẹp cố ngụy tạo để làm hài lòng tất cả mọi người, true beauty là vẻ đẹp của thanh xuân lấp lánh, của tâm hồn, của tính cách rực rỡ, và của một trái tim đẹp đẽ. Tôi cho rằng phân cảnh nam nữ chính nắm tay nhau đi trong nắng ấy là phân cảnh đẹp nhất và hay nhất của bộ phim. Đến cuối cùng, vẻ đẹp đích thực chỉ là những gì sẵn có, những điều rung động sâu sắc nhất trong tâm hồn.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã từng viết: "Người ta ngây ngất trước sự hào nhoáng, mê mẩn trước sự bóng bẩy nhưng chỉ rơi nước mắt trước sự giản dị từ đáy lòng". Và sự giản dị tự đáy lòng mà Nguyễn Ngọc Tư nói đến phải chăng là vẻ đẹp ban sơ của tâm hồn, là những điều dung dị nhất, đời thường nhất?

Cái đẹp vừa là giá trị sẵn có từ trước, vừa là sự sáng tạo mới mẻ của con người. Cái đẹp đi từ cuộc sống đến nghệ thuật, trở thành nguồn cảm hứng bất tận trở thành bệ đỡ quan trọng, trở thành một ngọn lửa luôn rực cháy hoặc âm ỉ cháy, sưởi ấm cho trái tim mỗi người. Mỗi chúng ta đều mang trong mình một vẻ đẹp nào đó, một vẻ đẹp rất riêng, hiểu được điều này, chúng ta càng thêm trân quý tin yêu bản thân cũng như những vẻ đẹp bình dị xung quanh mình.


2/11/2024

Nhận xét