Mỗi chúng ta sống trong đời ai cũng khao khát yêu và được yêu. Đó là một nhu cầu tinh thần mãnh liệt, luôn ở sâu bên trong tiềm thức con người. Còn một tấm lòng cao thượng, vị tha lại là những phẩm chất đáng ngưỡng mộ ở một người. Và một khi tình yêu gặp lòng vị tha, một trái tim trắc ẩn, đó là khi thế giới không còn gì có thể đẹp đẽ hơn. Vậy thì, liệu tình yêu và lòng vị tha có thể gặp nhau hay chăng? "Đêm trắng" của Dostoyevsky sẽ là câu trả lời trọn vẹn dành cho câu hỏi ấy.
Dostoyevsky viết thiên tiểu thuyết "Đêm trắng" - White night khi mới ngoài hai mươi tuổi. So với các tác phẩm "nặng ký" và khó đọc khác của ông như "Tội ác và trừng phạt", "Anh em nhà Karamazov", "Demons" thì "Đêm trắng" được đánh giá là lãng mạn, giàu chất thơ và dễ đọc hơn nhiều. Nhưng cũng không vì vậy mà "Đêm trắng" mất đi tính kết nối, tính miên man, khi mà một suy nghĩ của nhân vật cứ như thể được viết theo một dòng chảy, mạch chảy suy nghĩ này nối tiếp suy nghĩ kia khiến cho nội tâm nhân vật được khám phá một cách rõ ràng và chi tiết. Cũng vì lẽ đó, tuy câu chuyện không có nhiều cao trào về mặt tình tiết hay hành động nhưng lại hằn sâu trong tâm trí độc giả những diễn biến nội tâm của các nhân vật.
Đêm trắng mở đầu là một cuộc sống đơn điệu tẻ nhạt của người đàn ông - xưng tôi. Trong những buổi tối tản bộ của mình như bao ngày, anh bắt gặp một thiếu nữ đứng bên thành cầu và có vẻ như cô đang khóc. Cô đợi người tình, trong vô vọng. Anh và cô gái - Naxtenca đã có một buổi tối trò chuyện cùng nhau, họ giao hẹn ngày mai và ngày sau nữa. Những buổi tối ấy, họ trò chuyện, trải lòng, kể câu chuyện của mình. Người đàn ông sống một cuộc sống tẻ nhạt, như một vòng tuần hoàn, ngày này qua ngày khác, cho đến khi gặp và trò chuyện với nàng Naxtenca. Còn nàng, có mối giao hẹn với người yêu một năm về trước, và nàng vẫn đang đợi hắn. Hai con người cô đơn - theo hai cách khác nhau, lại tìm được nhau, là nguồn động lực cho người kia.
Độc giả cùng nhân vật tôi, qua mỗi đêm trắng lại khám phá thêm được một điều gì rõ ràng cụ thể trong câu chuyện, lại khám phá ra một khía cạnh mà ở trang trước chưa có, chưa xuất hiện. Dường như những điều ấy cho phép chúng ta hiểu hơn về nhân vật, về câu chuyện của họ cũng như về tài năng miêu tả của Dostoyevsky.
Đêm trắng - ánh sáng của hy vọng. Giữa vòng lặp tẻ nhạt ngày qua ngày, một cách sầu khổ và phiền muộn, sự hồn nhiên trong sáng và nét đẹp của Naxtenca trở thành nụ hoa tươi thắm duy nhất mà người đàn ông thấy được. Dường như anh luôn chờ, luôn tìm kiếm nụ hoa ấy trong cuộc sống của mình, và anh đã gặp nàng, một cách tình cờ nhưng đúng lúc. Và Naxtenca, vốn đang tuyệt vọng vì mối tình của mình, đã gặp được một người nàng có thể xem là bạn, mà giãi bày sẻ chia. Khi nhờ nhân vật "tôi" gửi giúp bức thư đến người tình, Naxtenca biết "tôi" là tia hy vọng có thể gửi đi những tâm tư thầm kín chất chứa trong lòng.
Hai người họ ở bên nhau như thế, dù không lâu nhưng sâu đậm, là ánh sáng hy vọng cho lẫn nhau. "Chỉ bằng hai phút cô đã làm cho tôi hạnh phúc suốt đời"
Đêm trắng - bản tình ca không hoàn thiện. Người đàn ông, vốn chỉ sống một cách tạm bợ, một cách chờ hết ngày thì vào khoảnh khắc anh quyết định dừng lại hỏi thăm cô gái, lắng nghe câu chuyện của cô, một niềm tiếc thương đã dâng trong lòng rồi phát triển thành tình cảm. Tình cảm ấy ngày một tăng lên chứ không hề giảm xuống khi anh biết rõ hơn về nàng. Nhưng "tôi" chỉ đặt tình cảm của mình trong lòng và ở bên nàng như một người bạn, một người cố vấn. Cho đến lúc chia tay vào đêm thứ hai, anh nói: "Ít nhất, tôi đã được sống hai buổi tối trong đời mình". Anh không biết ngày mai thế nào, anh không biết họ còn có thể gặp lại hay chăng, anh không biết, tất cả những gì anh hiểu là anh đã thật sự sống dù chỉ hai buổi tối trong đời mình, với những hạnh phúc giản dị nhưng chân thật nhất.
Đến cuối cùng tình yêu ấy sẽ đi về đâu, khi chỉ xuất phát từ một trái tim, còn trái tim còn lại đang hướng về nơi khác. Chúng ta đều không biết. Chỉ biết rằng: dù cho tận thế, "tôi" vẫn sẽ yêu em, dù em đi theo người ấy, "tôi" vẫn sẽ yêu em, dù tôi, hay em không còn ở lại bên nhau, thậm chí không còn trên cõi đời này nữa, thì tình yêu ấy vẫn vẹn nguyên như thuở ban đầu.
Dostoyevsky vẽ nên một bức tranh nội tâm phong phú với nhiều gam màu: hồi hộp để chờ đợi, hạnh phúc khi trò chuyện nhưng cũng không kém phần đau đớn lúc giã từ. Ấy vậy mà, dù trong vòng tròn cảm xúc nào, tình yêu của người đàn ông vẫn là một ánh sáng lấp lánh nhẹ nhàng, phản chiếu lên hết thảy những điều khác. Một tình cảm trong sáng như một nốt nhạc đầu tiên, mang nghĩa khởi thủy, mang nghĩa bắt đầu; một tình yêu không đòi hỏi sự đáp lại; một tình yêu bao dung hết thảy những điều tốt điều xấu của người còn lại, đã sinh ra từ những đêm như thế, đang nảy nở và sẽ còn đó như một kỷ niệm một ký ức trong những tháng ngày tươi đẹp của hai nhân vật.
"...anh đâu có mang lòng oán hận, Naxtenca ơi! Anh chẳng bao giờ xua mây đen làm vẩn đục hạnh phúc trong sáng êm đềm của em, anh chẳng bao giờ trách móc cay đắng để gieo nỗi buồn vào trái tim em, làm nó đau bằng nỗi đau day dứt giấu kín và bắt nó đập buồn bã trong những phút giây hoan lạc, anh chẳng bao giờ làm tan nát dù chỉ là một bông hoa dịu dàng mà em cài lên tóc... Ồ, chẳng bao giờ, chẳng bao giờ!"
Nói về nàng Naxtenca, nàng giữ một trái tim nhạy cảm nhưng thủy chung với người yêu. Nàng bảo "tôi": "...ông đừng phải lòng mà yêu em... Điều đó là không thể được, em cam đoan với ông. Em sẵn sàng kết bạn với ông, đây, tay em đây... Nhưng yêu thì không được, em xin ông!". Dù nàng vẫn chờ đợi, dù nàng chờ hoài vẫn chưa có tin tức gì, về người hẹn ước với nàng năm ấy, nàng vẫn giữ trái tim nguyên vẹn thủy chung, giữ tình yêu trong mình để lấy đó làm động lực tiếp tục chờ đợi đến khi người ấy trở về. Tình yêu của nàng cũng là mảnh tình đậm sâu của một tâm hồn trong sáng.
Tình yêu trong "Đêm trắng" là sự chờ đợi, cũng sẽ là sự bao dung. Là sự tình cờ cũng là sự sắp đặt. Là ngọn lửa âm ỉ nhưng cũng sẽ là ngọn lửa mạnh mẽ. Một sự yêu không lẫn vào đâu được!
Khi những đêm trắng chỉ là một đêm duy nhất. Trong câu chuyện, hai nhân vật có tất thảy cả bốn đêm trò chuyện giúp đỡ nhau nhưng dường như nhà văn đã xâu chuỗi cả bốn buổi tối lại thành một đêm duy nhất, một đêm mà cả người đọc cả nhân vật đều không ngủ...cho đến khi trời sáng, phải chăng nhà văn muốn lãng mạn hóa những đêm dài ấy, phải chăng đối với nhân vật chính, thức giữa đêm trắng mới là những giây phút anh thực sự cảm nhận thế giới, cảm nhận con người? Và rồi, đêm ấy mang theo biết bao suy tư, hồi hộp đợi chờ.
Đến cuối cùng khi tất cả đã qua đi, những đêm trắng ấy sẽ là một ký ức đẹp đẽ, một kỷ niệm khó phai đáng trân trọng mỗi khi nhớ về đối với “tôi”: “Cả một phút hoan lạc! Chẳng lẽ chừng ấy còn là ít dù cho suốt một đời người?"
Với tuyến thời gian tuyến tính, không đan cài hay chêm xen quá khứ hay tương lai vào hiện tại, câu chuyện đi theo tình tự thời gian thông thường giúp người đọc dễ theo dõi. Còn văn phong của văn hào Dostoyevsky là lối viết cổ điển, chi tiết, mỗi một câu văn lại như một lời thoại để người đọc và nhân vật như cùng trò chuyện với nhau. Sẽ là phù hợp hơn với những người đã có kinh nghiệm đọc, mặc dù mỏng thôi nhưng nếu lần đầu đến với sách bạn sẽ bị choáng ngợp bởi lối viết đan cài của Dostoyevsky, khi mà những suy nghĩ của nhân vật đan vào nhau, từ mảnh này đến mảnh khác, thành một chỉnh thể duy nhất nói lên một điều cốt lõi sau cùng.
"Đêm trắng" đơn giản dung dị nhưng hàm ẩn triết lý sâu sắc, là ca khúc về tình yêu, khao khát được yêu giữa thế giới rộng lớn cô độc. Là tâm lý của những người đang yêu - thơ mộng bay bổng nhưng cũng thực tế vô cùng. Độc giả chúng ta sẽ khiến cho vẻ đẹp của tác phẩm thêm một lần nữa hoàn thiện hơn, trở thành một áng văn bất hủ trong kho tàng văn chương rộng lớn. Để rồi, mãi về sau, khi nhìn lại "Đêm trắng" sẽ là một kỷ niệm lấp lánh như ánh nắng đầu hạ chiếu lên tâm hồn mỗi người.
25/4/2025
Nhận xét
Đăng nhận xét