Tình yêu một người dành cho một người khác, phải chăng là thử thách khó khăn với mỗi chúng ta?


          Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã viết trong "Khói trời lộng lẫy": "Khoảnh khắc đó tôi biết âm thanh đẹp nhất của cuộc sống là tiếng một người nói yêu một người". Phải chăng chính khả năng liên kết người này với người khác, là sợi dây nhỏ kết nối các tâm hồn đồng điệu đã khiến "tiếng yêu" trở thành một thứ âm thanh đẹp đẽ nhất? Nếu đúng thực như vậy, liệu âm thanh ấy vẫn sẽ vẹn nguyên tươi đẹp giữa một thế giới vốn rất nhiều tạp âm, ngày càng phức tạp, khó đoán và khó lường trước như xã hội loài người? Thắc mắc ấy, được thi hào người Đức Rainer Maria Rilke viết lên: "Tình yêu của một người dành cho một người khác, đó có lẽ là sự thử thách khó khăn nhất đối với mỗi một người trong số chúng ta".

     Tình yêu một người dành cho một người khác, là tình yêu giữa đồng loại, đó có thể là tình yêu đôi lứa, tình yêu cộng đồng, tình yêu đất nước, đó có thể là tất cả nhưng cũng có thể chỉ là một, Ấy luôn là sự quan tâm chăm sóc, để tâm đến người khác và vấn đề của họ. Chỉ khi chúng ta để tâm, lắng nghe người khác bằng tất cả sự chân thành của mình, khi ấy tình yêu mới ra đời, trở thành sợ dây liên kết, nhịp cầu kết nối người này với (nhiều) người khác. Rồi, tình yêu ấy vượt lên tất cả những bản hoà ca để trở thành một âm thanh đẹp đẽ trong sáng nhất.

     Thế nhưng, tại sao lại nói: tình yêu một người dành cho một người khác, đó có lẽ là sự thử thách khó khăn nhất đối với mỗi người? Tác giả Dale Carnegie đã đưa ra một số liệu trong cuốn sách "Đắc nhân tâm" của mình như sau: công ty điện thoại New York đã tiến hành một nghiên cứu nhằm tìm ra từ nào là từ được sử dụng nhiều nhất trong các cuộc điện thoại. Kết quả, từ "Tôi" được sử dụng nhiều nhất, từ này được nói đến 3900 lần trong 50 cuộc điện thoại. Điều này cũng có nghĩa, cứ một cuộc điện thoại, từ "Tôi" được lặp lại ít nhất tám lần. Có thể dễ dàng nhìn thấy, ở thời kỳ nào cũng vậy, mối quan tâm hàng đầy của nhân loại luôn là bản thân mình. Bởi rằng, mỗi cá nhân đều có cuộc đời của mình, những mối lo riêng cho vấn đề cơm áo gạo tiền, những mỗi bận tâm về sức khoẻ, công việc, tài chính... 

     Và xã hội chúng ta cũng đang ngày càng đề cao chủ nghĩa cá nhân, cá nhân hoá. Vậy là mỗi người ra sức học tập, làm việc cống hiến để có cho mình một chỗ đứng, một vị trí và một màu sắc riêng. Trong tháp nhu cầu nổi tiếng của Maslow, nhu cầu cao nhất của con người chính là nhu cầu thể hiện bản thân, khẳng định vị thế của cá nhân trước tập thể - hay chính là nhu cầu tự tôn bản ngã, đó cũng là lý do tại sao chúng ta cố gắng mỗi ngày, nỗ lực nâng cấp bản thân nhằm vươn đến những công nhận của mọi người. Mối lo về chính mình, những trăn trở về tương lai, về cuộc sống của chúng ta ngày càng nhiều lên theo sự phức tạp của cuộc sống. 

     Hay, ta quan tâm đến hình ảnh của mình trong mắt người khác trông như thế nào: bộ quần áo mình mặc có ổn không, khuôn mặt có xinh đẹp không... Tất cả những niềm quan tâm ấy đều dành cho "chính mình" và cái tôi của mình. Việc người ta quan tâm đến  cuộc sống của mình cũng đúng thôi, chỉ là nếu ta chỉ nghĩ đến bản thân, chỉ dành chỗ cho chính mình trong tim mà quên mất sự hiện diện của những người xung quanh, không quan tâm đến những niềm vui, nỗi đau của họ thì khi ấy cũng có nghĩa ta đã bỏ quên những tình cảm tốt đẹp hơn, kết nối hơn, đó là tình cảm giữa người này với những người khác.

     Chúng ta vẫn tiếp tục hành trình tuổi trẻ của mình, vẫn ra ngoài gặp gỡ, kết bạn, nói chuyện, nhưng cứ hễ nói gì, chúng ta luôn bắt đầu bằng cụm từ: "Còn tôi thì...", khi nghe người khác nói chuyện, chúng ta vẫn nghe, nghe người khác nói về chuyện của họ và ngay khi người ấy dừng lời, chúng ta sẽ tiếp tục câu chuyện bằng cụm từ: "Còn tôi thì...". Nếu như trong một buổi nói chuyện, ai cũng nói về mình, ai cũng kể chuyện của mình thì có lẽ sẽ chẳng ai nhớ được câu chuyện của nhau, tôi không nhớ bạn đã kể gì, bạn cũng không nhớ chuyện của tôi diễn biến như thế nào, vì chúng ta chỉ tập trung vào bản thân. Như vậy, sự tương tác, giao cảm và kết nối cũng dẫn biến mất.

     Tôi có một người bạn, tôi biết nhiều chuyện của bạn nhưng bạn lại biết rất ít chuyện của tôi. Đó là vì, mỗi lần nói chuyện đều là bạn kể về chuyện của bạn, tôi sẽ ngồi nghe sau đó đưa ra ý kiến của mình. Rất ít khi tôi nói về suy nghĩ của mình cho bạn, và tôi biết bạn cũng không thực sự lắng nghe tôi. Cho nên, tôi luôn đóng vai trò người nghe trong mối quan hệ này. Điều đó cũng cho biết, mối quan hệ của chúng tôi sẽ chỉ dừng lại ở mức bạn bè thông thường. Ngược lại, tôi có nhóm bạn thân bốn người, cả bốn người chúng tôi đều thích kể chuyện, mỗi khi một người kể cả ba người kia sẽ nghe và bình phẩm ý kiến của mình về câu chuyện, cứ như thế một cuộc nói chuyện thú vị sẽ được diễn ra, bởi mọi người đều được nói lên suy nghĩ của mình. Đó là sự khác nhau giữa bạn bè thông thường và bạn thân. Tình cảm nào cũng vậy, tình bạn tình yêu tình thân...đều cần có sự đối, tương tác giao thoa đối thoại từ tất cả các bên, chúng ta chia sẻ đồng thời cũng lắng nghe, có như thế tình cảm mới bền chặt và đi lên.

     Vậy là, trong quá trình hình thành tình yêu thương dành cho người khác, nhân loại phải vượt qua trở ngại rất lớn: mối quan tâm và tình yêu chính mình

     Thêm vào đó, giữa kỷ nguyên công nghệ số, chỉ cần một chiếc điện thoại máy tính bảng hay máy tính, chúng ta có thể nắm cả thế giới trong tay. Thông qua kết nối internet, chúng ta xem xét, theo dõi, tiêu thụ hằng hà sa số các thông tin, tin tức mỗi ngày. Qua những nội dung nhanh chỉ vài phút hay vài giây ấy, ta biết thêm một hoặc nhiều thông tin mới. Thế nhưng sau đó thì sao? Khi mà hết video này ta lướt ngay đến một video khác và quên hết tất cả những gì vừa xem. Việc tiêu thụ những nội dung nhanh như thế khiến ta mất thời gian, mất kết nối với người xung quanh. Chúng ta nhắn tin thay vì gặp trực tiếp để trò chuyện. 

     Ăn tối xong, bố và mẹ mỗi người cầm một chiếc điện thoại thay vì cùng ngồi xem ti vi lồi như ngày trước thay vì chơi với con cái. Mỗi người lại chìm đắm trong thế giới riêng của mình, quên mất những giá trị cốt lõi làm nên một gia đình. Giữa mạng xã hội rộng lớn trước sự lừa lọc, cám dỗ, giả dối người ta mất dần niềm tin vào tình thương, mất niềm tin vào xã hội. Khi nhìn một người đói khổ trên mạng người ta hoài nghi...Con số nào là chính xác cho tỉ lệ những người khóc thương khi thấy những khổ đau của người khác?

     Tình yêu của một người dành cho một người khác, là một tình yêu to lớn, vượt qua mong muốn của riêng một người để hướng đến nhiều người, nó là biểu hiện của việc sẵn sàng đặt cái tôi cá nhân sang một bên để lắng nghe và thấu hiểu. Để một người dành tình yêu cho người khác như dành tình yêu cho chính mình cần nhiều thời gian, tâm sức. Bởi vậy mà, người Việt ta có câu: "Thương người như thể thương thân", đây là câu nói từ xưa của các nhằm khuyên răn, dưỡng dục con cháu một đạo lý cao đẹp trong cách sống, cách làm người: thương yêu người khác, như thể thương yêu chính bản thân mình. Nếu như tình thương mà chúng ta nói đến, tình yêu giữa người với người, tồn tại từ ngay trong bản năng thì không việc gì phải dạy dỗ dưỡng dục qua thời gian, vì nó sẽ luôn ở đó. Thế nhưng, tình yêu một người dành cho một người khác lại không thuộc vào bản năng như yêu thương chính mình, không phải từ khi sinh ra ta đã biết cách yêu và đồng cảm với người khác, vậy nên mới cần tôi luyện, rèn rũa tình yêu ấy qua thời gian: năm tháng này qua năm tháng nọ, thế hệ này sang thế hệ khác.

     Và, tại sao lại nói tình yêu người này dành cho người khác lại là thử thách khó khăn? Hãy nhìn vào thế giới của chúng ta theo chiều dài lịch sử. Thời tiền sử, các nhóm người khác nhau luôn tìm cách để cạnh tranh, giết chóc lẫn nhau. Đến thời cận đại, các quốc gia sẵn sàng bắn phá, sẵn sàng đặt tính mạng của hàng triệu người dân vì lợi ích của những kẻ cầm quyền. Tiêu biểu cho điều đó là thế chiến thứ I và thế chiến thứ II, Adolf Hitler - người đã khơi nguồn thế chiến thứ hai và cho giết chết sáu triệu người Do Thái vì tin rằng dòng máu Do Thái không thanh sạch và cao quý như dòng máu Đức thuần chủng. Trong bức tranh lịch sử dài đằng đẵng ấy, chiến tranh khói lửa bao phủ loài người, chỗ đứng nào sẽ còn sót lại cho tình yêu, lòng thương?

     Vậy nên, dù ở thời đại nào, quốc gia nào, dành tình yêu thương cho người khác luôn là một thử thách khó khăn.

      Nhưng nhân loại đã và đang cùng nhau vượt qua thử thách ấy.

      Nhà thơ Tố Hữu đã viết trong: "Lời ru":

                 "Một ngôi sao chẳng sáng đêm

             Một thân lúa chín chẳng nên mùa vàng

                 Một người đâu phải nhân gian

              Sống chăng chỉ đốm lửa tàn mà thôi."

     Từ ngàn xưa, con người đã sống theo bầy đàn, sống theo tập thể và là một phần của tập thể. Nhiều ngôi sao mới nên bầu trời sao, nhiều mảnh ghép mới nên một bức tranh vẹn toàn, nhiều người mới làm nên cộng đồng, làm nên xã hội. Vì chúng ta là một phần của tập thể, chúng ta không thể chỉ nghĩ đến nỗi đau của mình mà quên mất ưu phiền của những người xung quanh. Dù yêu bản thân mình tới đâu, ta đã luôn hướng ra cộng đồng, rộng ra là toàn xã hội, một cách vô tình hay hữu ý.

     Luôn có một tình yêu thường trực trong mỗi người, một niềm yêu đến những người xung quanh. Trong lịch sử nước Anh, chưa từng có một người trong tầng lớp quý tộc nào làm được như công nương Diana. Bà là vợ của hoàng tử Charles (hiện tại là vua Charles) nhưng bà sẵn sàng tiếp xúc, trò chuyện giúp đỡ những người bình dân. Hoàng gia Anh có quy định nghiêm ngặt về trang phục, khi tiếp xúc với người dân thì người trong Hoàng gia phải mang găng tay, nhưng công nương Diana đã phá lệ - dùng đôi bàn tay của mình để bắt tay, ôm lấy, vỗ về những em nhỏ, những người nhiễm HIV, những người da màu, tất cả mọi người...Vào khoảnh khắc ấy, người ta biết rằng, Diana sẽ là biểu tượng của tình yêu, lòng thương, và sự nhân ái...

     Luôn có một tình yêu thường trực trong ta, một tình yêu hướng đến đồng bào mình trong những tháng năm gian khổ. Để rồi, thế hệ trẻ hôm nay dâng lên một cảm xúc tự hào xúc động xen lẫn xót thương, khi bản nhạc quốc ca vang lên, khi xem lại những tư liệu lịch sử về một thời gian khó mà dân tộc đã đi qua. 

     Thế hệ nào cũng thế, dưới bầu trời độc lập tự do, dưới quốc kỳ bay phấp phới trong gió, chúng ta vẫn không bao giờ quên những đau thương mà dân tộc mình đã đi qua; giữa bầu trời tự do hôm nay, chúng ta cũng sẽ ghi nhớ tất cả những khổ đau năm ấy. Chúng ta sẽ tự hỏi: Để có được hoà bình hôm nay, đất nước này đã phải trải qua những gì? Để rồi, ta ta biết ơn, kính trọng những người đi trước - "ra đi xây đời hạnh phúc" (Lời bài hát: "Tuổi trẻ thế hệ bác Hồ) hơn bao giờ hết. Tình yêu ấy,  tình yêu dành cho những thương tổn mà dân tộc đã đi qua, sẽ chỉ tăng chứ không giảm, mãnh liệt và lấp lánh bên trong mỗi người.

      Để yêu một người, ta phải yêu tất cả ở họ, để yêu một người ta phải vượt lên ham muốn nói về mình, nghĩ đến mình để lắng nghe câu chuyện của người khác một cách chân thành, một cách sẽ chia. Để yêu một người, hay nhiều người, ta phải hình thành sợi dây kết nối với họ, giao cảm với họ. Để yêu một người có thể là một điều khó khăn. Nhưng không phải là điều bất khả.

     Trên hành trình tuổi trẻ của mình, tôi chậm lại để tự hỏi, liệu mình đã thực sự yêu một người khác chưa? Tôi chưa biết câu trả lời của tôi trong tương lai sẽ như thế nào, nhưng hiện tại, tôi yêu mẹ, yêu bố, yêu gia đình tôi, yêu bè bạn - những người bạn tri kỷ ấy, với một tình yêu trong sáng tựa thuở ban đầu. Vì đến cuối cùng, tình yêu chúng ta dành cho nhau vẫn ở đó, hiện diện bảo vệ và chở che mỗi con người, là nguồn động lực làm nên ý nghĩa cho sự tồn tại của con người từ buổi đầu khởi thuỷ đến hết ngày tận thế.

7/4/2025

Nhận xét