Vùng trời quê hương nào cũng là bầu trời Tổ quốc

ảnh từ Facebook Thông tin chính phủ



     Tôi đã nghe những câu thơ thế này:

"Có nơi nào như đất nước chúng ta
Viết bằng máu cả ngàn chương sử đỏ
Khi giặc đến những người con quyết tử
Cho một lần Tổ quốc được sinh ra"

     Đã 50 năm kể từ ngày 30 tháng 4 năm 1975 lịch sử. Đã 50 năm kể từ ngày dân tộc ta được "Độc lập - Tự do - Hạnh phúc". Thế nhưng ký ức về chiến tranh trong lòng nhân dân ta còn rõ ràng quá, tựa như mới vừa hôm qua. Chúng ta nhớ về những tổn thương mất mát mà dân tộc mình phải chịu đựng, nhưng không chỉ để xót thương mà còn để bước tiếp. Chúng ta lấy những đau khổ trong quá khứ làm động lực để cống hiến cho đất nước những giá trị mình có thể mang lại trong kỷ nguyên mới. Sau 50 năm độc lập, đất nước ta đã có nhiều đổi mới, và gần đây nhất là nghị quyết của chính phủ về sáp nhập 63 tỉnh thành lại chỉ còn 34 tỉnh. Đứng trước những thay đổi lớn lao ấy, phải chăng "Vùng trời quê hương nào cũng là bầu trời Tổ quốc"

     Trước hết, "vùng trời quê hương" là quê hương, quê quán, gốc gác của từng người, là cái riêng rẽ, là nơi mỗi con người thuộc về. "Bầu trời Tổ quốc" là cái chung, là sự thiêng liêng to lớn, là bầu trời ngay trên đầu tất cả mọi người. "Bầu trời Tổ quốc" chính là cách nói rộng hơn: khi một người con đi xa trở về, họ trở về vùng trời quê hương, đồng thời cũng trở về bầu trời Tổ quốc. Như vậy, "bầu trời Tổ quốc" trong đó có "vùng trời quê hương".

     Trước nghị quyết mới của chính phủ về sáp nhập tỉnh, mạng xã hội bùng nổ các chia sẻ, các bài viết về chủ đề này tăng lên mỗi ngày, các diễn đàn xôn xao thảo luận: người Bắc Giang giờ đây trở thành người Bắc Ninh, người Phú Thọ giờ đây sẽ bao gồm cả người Vĩnh Phúc và người Hòa Bình, người Hà Nam, Nam Định quy tụ về với Ninh Bình, người Bình Dương trở thành người thành phố Hồ Chí Minh,... Bởi lẽ, đây là một thay đổi quá lớn, quá mới mẻ đối với nhân dân cả nước, điều này cũng đồng nghĩa với việc, một số vùng đất - nơi nuôi lớn hàng triệu người con rồi đây sẽ chỉ à kỷ niệm, không còn xuất hiện trên bản đồ hành chính chính thức của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nữa.

     Chính vì lẽ đó, nhiều người cũng bày tỏ một nỗi buồn man mác trong lòng, khi tỉnh thành gắn với tuổi thơ, tuổi trẻ, thậm chí là cả đời mình giờ đây "biến mất", thay vào đó lại tên của một tỉnh thành khác. Ngày cuối cùng của tháng Sáu, mọi người nói lời tạm biệt với những điều sau này sẽ trở thành kỷ niệm...

    Không chỉ mạng xã hội, cánh nhà báo cũng tốn nhiều giấy mực trong sự kiện trọng đại này của đất nước. Nhiều thời báo như Tuổi trẻ online, Hà Nội mới, Nhân Dân, Tiền Phong đồng loạt đưa các tin đa dạng liên quan đến chủ đề này nhằm cập nhật cho người dân.

     Cũng trong những ngày cả nước đổi mới này, lại có những định kiến những sự phân biệt vùng miền nổi lên, như con sâu giữa nồi canh nóng.

     Trước đây, hiện tượng phân biệt vùng miền đã diễn ra một cách vô tình hay hữu ý, trên mạng xã hội hay ngay ngoài thực tế. Những định kiến về người miền Trung, người Thanh Hóa, hiện tượng mạng gắn tất cả những điều vô lý, kỳ lạ buồn cười cho câu "Độc lạ Bình Dương", những lời nói móc mỉa vẫn hằng ngày được tuôn ra giữa các vùng miền, vân vân... đều là một biểu hiện của phân biệt kỳ thị vùng miền một cách vô tình hay hữu ý. Những điều đó gây nên nhận thức sai lệch về khối đại đoàn kết dân tộc.

    Giờ đây, khi đất nước có thay đổi lớn - sáp nhập các tỉnh, những kẻ xấu lợi dụng thời cơ để bôi nhọ những chủ trương của Đảng và nhà nước, chủ động khuyến khích chia rẽ phân biệt vùng miền hơn nữa trong bối cảnh mới. Một số người chưa hiểu rõ sự việc, cùng với lối định kiến sẵn mang trong đầu lại lên tiếng chia rẽ chính đồng bào mình, đất nước mình. 

     Thực trạng trên không phải điều gì mới mẻ, nó đã tồn tại suốt hàng năm nay bởi những cái đầu thiếu nhận thức đúng đắn, và hôm nay, nhân lúc đất nước có thay đổi lớn, nó trào lên, đánh vào tâm lý những người nhẹ dạ cả tin.

     Nhưng điều xấu, nào có chỗ để tung hoành khi điều tốt vẫn đang không ngừng nhân lên?

"Anh với tôi đôi người xa lạ
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau
Súng bên súng đầu sát bên đầu
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ
Đồng chí!"

(Đồng chí - Chính Hữu) 

     Trong tiếng Việt ta có một từ đẹp lắm: "đồng bào". Mỗi người Việt Nam hôm nay sẽ luôn trân trọng ngợi ca những giá trị của hai tiếng ấy, đồng thời nâng niu những giá trị ấy bằng những hành động thực tế. Những dự án quyên góp quần áo sách vở cho các em nhỏ vùng cao, vùng biên giới hải đảo, vùng có hoàn cảnh khó khăn, những dự án về sách, tủ sách thông minh, tủ sách di động, những cô thầy tình nguyện đi đến những bản làng để gieo con chữ, để tri thức có thể đến với những em bé thơ ngây.

     Những chính sách của nhà nước để củng cố khối đại đoàn kết dân tộc trên tinh thần "không để ai bị bỏ lại phía sau", tất cả các dân tộc đều có quyền bình đẳng trong bỏ phiếu, bầu cử, ứng cử, kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia từ năm 2025 lược bỏ môn bắt buộc đối với môn tiếng Anh để tạo điều kiện cho thí sinh các vùng ít có cơ hội học tập và tiếp xúc với ngôn ngữ này... Tất cả những điều trên đã làm nổi bật tính nhân ái - lòng yêu người của dân tộc ta từ trước đến nay, cũng đã khẳng định: rằng đối với người Việt Nam, hai tiếng "đồng bào" quan trọng và thiêng liêng đến thế nào. 

     Chúng ta yêu người dân nước mình, sao có thể ghét miền đất nuôi họ lớn lên, đặc biệt, miền đất ấy cũng là một phần của ta, của dòng máu ta, của Tổ quốc ta, và của lãnh thổ ta. Người Việt Nam hồn hậu đến như thế, làm sao có thể kỳ thị vùng miền một cách vô lý?

     Người Việt Nam ta cũng sẽ ghi nhớ lịch sử. Làm sao có thể uống nước mà không nhớ nguồn. Hằng năm không riêng gì ngày 10 tháng 3 âm lịch, mỗi ngày đều có du khách từ thập phương đến với vùng đất Việt Trì - Phú Thọ để dâng nén hương thành kính tại đền thờ các vua Hùng.  Vì vùng trời quê hương nào cũng là bầu trời Tổ quốc, vì chúng ta sẽ không quên 64 chiến sĩ ở đảo Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa đã bảo vệ từng tấc đất trên đảo, và các anh, đã nắm tay nhau kết thành một vòng tròn bất tử để bảo vệ lá cờ Tổ quốc thiêng liêng.

     Chúng ta sẽ không quên lịch sử. 1000 năm Bắc thuộc, gần 100 năm dưới ách đô hộ của thực dân, 21 năm kháng chiến chống Pháp, 9 năm kháng chiến chống Mỹ, sau năm 1975 vẫn phải đối mặt với các cuộc chiến tiếp nữa...

     Cha ông ta giữ lấy đất nước, bảo vệ từng mái nhà, con phố không phải để hôm nay ta chia rẽ, mất đoàn kết mà để ta thêm yêu thêm thương nước mình. Cha ông ta nằm lại nơi chiến trường là để chúng ta lớn lên trong độc lập và giữ đất nước thêm giàu thêm đẹp. Vì chúng ta không quên lịch sử, không quên quá khứ nên chúng ta càng trân trọng hiện tại. Giữa thời kỳ mới, thay đổi là xu thế tất yếu để hướng đến sự phát triển chung, một cách bền vững. "Mọi thứ đều thay đổi, thứ duy nhất không thay đổi chính là sự thay đổi".

     Quê hương của chúng ta không mất đi, mà quê hương một lần nữa được sinh ra, dưới hình hài mới, để cùng đất nước vươn mình và phát triển.

     Người vùng nào cũng là người Việt Nam, tất cả những vùng trời quê hương riêng biệt, giờ đây đã quy tụ lại thành một bầu trời chung, bầu trời duy nhất, bầu trời của Tổ quốc Việt Nam.

     Chừng nào dòng máu của người Việt Nam ta vẫn còn chảy, chừng nào hàng chục triệu trái tim Việt Nam vẫn chung nhịp đập, thì vùng trời quê hương nào cũng là bầu trời Tổ quốc.

2-7-2025

*Tiêu đề bài viết chính là phần NLXH đề thi THPTQG môn Ngữ văn năm 2025.

Nhận xét